CỘNG ĐỒNG HỌ BÙI VIỆT NAM BAN CHẤP HÀNH KHÓA II —————
| CỘNG HÒA XHCN VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————————— Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2018 |
TỜ TRÌNH
BÁO CÁO SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ
CỦA CỘNG ĐỒNG HỌ BÙI VIỆT NAM [1]
——————————
Được sự phân công của Ban Tổ chức Đại hội, chúng tôi xin trình bày quá trình triển khai và nội dung dự thảo Báo cáo sửa đổi Điều lệ của Cộng đồng họ Bùi Việt Nam với các nội dung như sau:
1. Về sự cần thiết phải sửa đổi bổ sung Điều lệ TC&HĐ:
Đại hội lần thứ II Cộng đồng họ Bùi Việt Nam ngày 20 tháng 4 năm 2013 đã thông qua Bản Điều lệ của Cộng đồng HBVN cũng như Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành Cộng đồng HBVN. Trong suốt quá trình gần 5 năm thực hiện, Điều lệ và Quy chế đã tạo được khung pháp lý nội bộ, làm cơ sở tham chiếu trong quá trình hoạt động của BCH CĐ HBVN và là tài liệu quan trọng để tham khảo trong quá trình xây dựng Điều lệ, Quy chế hoạt động của CĐHB các địa phương.
Tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện Điều lệ, quy chế cũng cho thấy vẫn còn một số tồn tại như: Nhiều thành viên vẫn còn chưa rõ hoặc chưa nghiên cứu kỹ nội dung của Điều lệ, Quy chế làm việc; Cán bộ tham mưu, giúp việc đôi khi còn chưa rõ chức năng nhiệm vụ của mình, còn có sự vận dụng sai hoặc bị lạm dụng,… Ngoài ra, quá trình phát triển đặt ra những vấn đề mới đòi hỏi phải xử lý, ví dụ như:
- Cơ cấu tổ chức hiện tại, tiêu chuẩn (tuổi, sức khỏe,…) các thành viên Hội đồng Trưởng lão, BCH,… đã tương xứng với trách nhiệm được Cộng đồng giao phó chưa? Cơ chế nào để Hội đồng trưởng lão, không những chỉ là cơ quan tư vấn cấp cao mà còn là cơ quan giám sát hoạt động của BLL?
- Tên gọi của Cộng đồng, BCH/Ban LL, các Ban tham mưu,… đã phù hợp và xứng tầm với chức năng nhiệm vụ đang và sẽ thực hiện chưa?
- Để phát huy được tiềm năng, sức mạnh của cả Cộng đồng, những tổ chức mới phát triển, nội dung hoạt động mới xuất hiện cần được nghiên cứu, bổ sung vào Điều lệ, Quy chế….
Xuất phát từ những vấn đề đặt ra đó, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều lệ, Quy chế cho phù hợp trong nhiệm kỳ tới là cần thiết.
2. Quá trình xây dựng báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ và Quy chế :
Để xúc tiến công tác chuẩn bị Đại hội III, nhiệm kỳ 2018 – 2023 của Cộng đồng HBVN, ngày 5/4/2017 Thường trực đã họp bàn để khởi động và sơ bộ phân công Ban trù bị tổ chức đại hội lần thứ III của Cộng đồng, trong đó có các Tiểu ban Văn kiện, Sửa đổi Điều lệ, Nhân sự, khánh tiết…
Sau thời gian chuẩn bị và tiếp thu các ý kiến tham gia, ngày 14/5/2018, Thường trực đã họp và rà soát lại công tác chuẩn bị đại hội.
Theo đó, Thường trực đã quyết nghị những nội dung chỉ đạo rất quan trọng làm định hướng cho công tác chuẩn bị đại hội, trong đó có nội dung về báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ trong nhiệm kỳ tới, đó là:
“Những nội dung đã ổn định thì tiếp tục phát huy; chỉ đặt vấn đề sửa đổi những nội dung còn chưa rõ, vướng mắc nổi cộm trong nhiệm kỳ vừa qua và bổ sung những nội dung mới phát sinh trong giai đoạn mới”;
Thực hiện nội dung chỉ đạo của Thường trực BCH, Tiểu ban soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu và cộng đồng, cố gắng thể hiện nội dung điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với Cộng đồng Họ Bùi VN – là tổ chức rất đặc thù vừa mang tính xã hội văn hóa, vừa mang tính gia đình dòng tộc; mọi thành viên tham gia hoạt động với tinh thần “tự tâm, tự nguyện, tự túc” vì vậy các qui định phải bảo đảm sao cho linh hoạt, đề cao được tính dân chủ, công khai và minh bạch; không hành chính hóa nhưng cũng không được xuề xòa, chiếu lệ; phải đủ chặt chẽ để không bị lạm dụng; phải vừa có lý, vừa có tình; được diễn đạt bằng từ ngữ phổ thông, dễ hiểu; đồng thời phải phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán và thực tiễn hoạt động của dòng họ cũng như các qui định của văn bản pháp luật Nhà nước hiện hành.
3. Một số nội dung đã chỉnh sửa, hoặc còn có ý kiến khác nhau và đề xuất sửa đổi:
a. Những nội dung đã chỉnh sửa, bổ sung:
Trong suốt quá trình chuẩn bị và gửi báo cáo (dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ) trao đổi, lấy ý kiến trực tiếp các UV BCH, các BLL địa phương qua các kênh thông tin khác nhau (điện thoại, email,…), Tiểu ban soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp bổ sung rất tâm huyết. Hầu hết các ý kiến đóng góp đều nhất trí với nội dung của bản dự thảo, thể hiện sự quan tâm của các thành viên, UV BCH/BLL các cấp của Cộng đồng.
Những vấn đề sửa đổi lớn lần này là:
- Tích hợp nội dung 2 bản Điều lệ và Qui chế hiện đang áp dụng trong nhiệm kỳ 2 thành 1 bản Điều lệ mới để dễ áp dụng hơn khi có vấn đề cần tra cứu, dẫn chiếu;
- Đổi tên BCH thành Hội đồng họ Bùi (HĐHB) để tăng sự gần gũi họ tộc, giảm cảm giác hành chính hóa tổ chức.
- Bộ máy giúp việc cho Cộng đồng được tinh giản, đổi tên và sắp xếp lại: Không có Văn phòng, Ban Tổ chức – Nhân sự, chỉ còn lại 5 ban:
- Ban Thư ký;
- Ban Tài chính;
- Ban Phát triển Cộng đồng;
- Ban Truyền thông;
- Ban Nghiên cứu Lịch sử dòng họ;
Ban Dâu-Gái là một thành tập thể lớn sẽ tách ra như một Hội hoặc CLB,..
- Thêm qui định về tuổi và nhiệm kỳ tham gia làm lãnh đạo Cộng đồng ở cấp toàn quốc (Chủ tịch làm việc không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp, tuổi đời không quá 75 tuổi; CT HĐTL không quá 85 tuổi);
- Thêm một số điều khoản qui định về quản lý Quỹ và tài sản CĐ HBVN (Điều 28 và Điều 29);
- Thêm một Chương mới (Chương VII): về Quản lý sử dụng phương tiện truyền thông và khai thác hình ảnh CĐ HBVN.
Như vậy Bản Điều lệ mới tích hợp sẽ có 9 Chương, 35 điều so với Bản Điều lệ nhiệm kỳ II có 6 chương, 19 điều (chưa kể Phụ lục).
b. Một số nội dung còn có ý kiến khác nhau: Ban soạn thảo xin được trình bày rõ thêm như sau:
3. Về Ban chấp hành CĐHB Việt Nam (BCH CĐ HBVN)
a) Tên gọi
Trong Điều lệ và Quy chế hiện hành quy định, hiện nay đang sử dụng khá quen tên Ban Chấp hành Cộng đồng họ Bùi Việt Nam (ở cấp toàn quốc), Ban Chấp hành Cộng đồng họ Bùi tỉnh/TP (ở cấp địa phương). Tuy nhiên vẫn có địa phương (Hà Nội) vẫn gọi là BLL (dù đã đại hội) vì các địa phương này cho rằng như thế nhẹ nhàng hơn, không hành chính hóa.
Trong sửa đổi lần này, Tiểu ban soạn thảo đề xuất đổi tên:
- Ở cấp toàn quốc: “Ban Chấp hành” (BCH) đổi thành “Hội đồng họ Bùi” (HĐHB) Cộng đồng họ Bùi Việt Nam;
- Ở địa phương (tỉnh, TP, huyện,…): BCH thành Hội đồng họ Bùi tỉnh/TP…để thống nhất chung; tuy nhiên vẫn tôn trọng quyền tự quyết của các địa phương.
- Về cơ cấu số lượng ủy viên:
Thiết kế của ban soạn thảo muốn bảo đảm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo, các ban tham mưu giúp việc, các thành viên tập thể (CLB,Trung tâm,…) các địa phương có cộng đồng họ Bùi (sao cho có sự cân đối theo chức năng, nhiệm vụ, qui mô, phong trào,…) để thuận tiện trong công tác điều hành nói chung. Tuy nhiên không áp đặt cho các địa phương, hoàn toàn tôn trọng số lượng đề xuất của các tỉnh/TP,…
4. Kết luận:
Trên đây là một số nội dung đã được tiếp thu, chỉnh sửa cũng như giải trình làm rõ thêm một số nội dung còn có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến và ý kiến đề nghị điều chỉnh sửa đổi Điều lệ của Cộng đồng Họ Bùi Việt Nam.
Xin kính trình xem xét cho ý kiến, quyết định.
Bùi Trọng Đỉnh – Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2 (2013 – 2018)