Sáng ngày 28/6, nhằm ngày 15/5 Mậu Tuất, tại di tích Lịch sử- Văn hóa Mộ và Đền thờ Bùi Tá Hán, UBND tỉnh Quảng Ngãi cùng Tộc họ Bùi Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 450 năm ngày mất của Trấn quốc công Bùi Tá Hán, một danh tướng nổi tiếng trong lịch sử, người đã có công lao to lớn đối với công cuộc khai phá, ổn định đời sống cho nhân dân vùng đất Quảng Nam xưa.
Tham dự lễ có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Quảng Ngãi, thành phố Quảng Ngãi, phường Quảng Phú; đại diện các cấp, các ngành trong tỉnh; đại diện họ Bùi các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh cùng bà con tộc họ Bùi phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi nơi có mộ và đền thờ Bùi Tá Hán được công nhận di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia.
Các đại biểu lãnh đạo tỉnh, thành phố Quảng Ngãi tham dự lễ.
Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đọc diễn văn tại buổi lễ
Tại buổi lễ, ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đọc diễn văn nêu rõ: Trấn Quốc công Bùi Tá Hán, người Châu Hoan (Nghệ An), sinh năm Bính Thìn (1496) trong một gia đình danh nho, là cận thần của Đại thần Nguyễn Kim, có công khôi phục triều đại Lê Trung Hưng. Sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê (1527), Bùi Tá Hán theo ngọn cờ “phù Lê diệt Mạc” của Nguyễn Kim, lập được nhiều công tích. Năm 1545, ông được vua Lê Trang Tông phong chức Bắc Quân đô đốc đem quân bình định quân nhà Mạc, vỗ yên miền biên trấn Quảng Nam (vùng đất từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên ngày nay) sau thăng Bắc quân đô đốc phủ chưởng phủ sự, tước Thiếu bảo Trấn quận công. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ khôi phục quyền lực nhà Lê ở vùng Nam Trung bộ và được cử làm trấn thủ xứ Thừa tuyên Quảng Nam, Ông từng bước thiết lập quyền tài phán của mình lên vùng đất mới này, ông đã kêu gọi nhân dân, binh lính khai hoang, lập làng, thu hút một lượng dân cư đông đảo từ miền Bắc vào định cư. Khi tiếp quản vùng đất mới Thừa tuyên Quảng Nam, Bùi Tá Hán đã đặc biệt chú trọng việc bảo vệ bình yên cho vùng đất này, nhất là vùng núi bằng “chính sách an dân” với tư tưởng hòa hợp và hòa giải dân tộc giữa người Việt với người Chămpa, giữa người Kinh với người Thượng. Mặt khác, ông cho đắp các đồn (bảo) để gìn giữ trật tự, trị an trong vùng. Từ một vùng đất loạn lạc liên miên, nhưng khi Bùi Tá Hán đặt định được chính quyền và thực thi những chính sách hợp lòng dân, xứ Quảng đã thành vùng đất của hòa bình, hòa hợp và sung túc. Danh xưng “Trấn Quốc công” tôn vinh Bùi Tá Hán đã nói lên sự ghi nhận không chỉ của triều đình, mà chính là sự ngưỡng mộ, yêu quý của nhân dân xứ Quảng và cả dải đất miền Nam Trung bộ dành cho ông. Theo Phủ tập Quảng Nam ký sự của Mai Thị, thì Bùi Tá Hán là người đã có những chính sách an dân ở miền Thượng cũng như với người Chămpa ở vùng đất này. Chính ông là người đầu tiên cho lập các chợ đầu nguồn để tạo điều kiện cho miền xuôi và miền ngược trao đổi hàng hóa, đặc biệt là ở vùng Đà Bồng (tức Trà Bồng hiện nay). Năm 1568, Bùi Tá Hán qua đời. Cái chết của ông được nhân dân lưu truyền như một huyền thoại. Ông hiển thánh, người và ngựa biến mất, chỉ lưu lại mảnh áo bào và vết máu tại rừng Cầy, xã Thu Phổ. Nhân dân và họ Bùi lập Lăng ông tại đây, từ đó rừng Cầy được gọi là rừng Lăng và lập Đền thờ ông trên núi Phước nằm kề bên sông Trà Khúc. Từ đó núi Phước được gọi là núi ông. Sau này đền thờ Bùi Tá Hán được dời về rừng Lăng gần khu lăng mộ của ông (hiện nay thuộc phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi).
Bùi Tá Hán là một người có học vấn uyên thâm, thấm nhuần đạo nhân nghĩa Khổng – Mạnh nhưng ông không cầu mong đến việc thi phú kiểu Tống Nho mà quyết chí lập thân theo chí khí của người quân tử, đem tài sức của mình giúp nước, giúp dân, mang lại sự bình yên cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân.
Từ một thực tế là vùng đất Thừa Tuyên Quảng Nam thời ấy dân cư thưa thớt, đất đai hoang hóa, đời sống nhân dân còn nghèo khổ, nên Bùi Tá Hán đã đưa ra nhiều chính sách phát triển kinh tế – xã hội tiến bộ như giao ruộng đất do binh lính khai phá cho dân canh tác; khuyến khích quan lại, nhân dân thực hành tiết kiệm, tích trữ lương thực. Trong sản xuất, Bùi Tá Hán cũng đề ra một số chủ trương đổi mới việc cày cấy, làm thủy lợi, khuyến khích các nghề thủ công phát triển; chăm lo đời sống chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí và sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cho nhân dân. Đặc biệt, Bùi Tá Hán đã thực thi nhiều chính cách mềm dẻo, khôn khéo để giữ yên vùng biên cương phía Nam của đất nước và tạo mối giao hảo tốt đẹp giữ các tộc người miền núi với miền xuôi. Đối với các tộc người miền núi, Bùi Tá Hán chủ trương dạy việc cày cấy, mở rộng giao thương để đồng bào đủ ăn đủ mặc, cho lập trạm giao thương buôn bán giữa người Kinh và người Thượng để tạo điều kiện giao hảo với người Kinh, xóa hố ngăn cách giữa hai vùng Kinh – Thượng, củng cố và xây dựng mối đoàn kết của các tộc người. Từ những chính sách này mà vùng đất Thừa Tuyên Quảng Nam xưa đã trở nên ổn định, trù phú, đời sống nhân dân được ấm no.
Với những công trạng to lớn, khi Bùi Tá Hán mất các triều đại phong kiến sau này đã tôn vinh ông, ban nhiều sắc phong thần cho ông để nhân dân thờ cúng, tưởng niệm ghi nhớ công lao của ông. Quảng Ngãi là địa phương có dinh miếu thờ ông các huyện: Lý Sơn, Mộ Đức, Sơn Hà, Trà Bồng… Đặc biệt là di sản văn hóa quốc gia Mộ và Đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán tại phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi càng phải có trách nhiệm gìn giữ, tôn tạo làm cho các di tích này, ngày càng xứng đáng với tầm vóc và công lao to lớn của ông đối với quê hương, đất nước. Với trách nhiệm đó, từ năm 1990 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư, bảo tồn di tích, tôn tạo lại phần kiến trúc Lăng mộ, Đền thờ, mở rộng khuôn viên cảnh quan, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng, tưởng niệm. Trong thời gian đến, tôi mong muốn các cấp chính quyền, nhân dân và bà con tộc Bùi tiếp tục có những đóng góp thiết thực để gìn giữ và phát huy giá trị di tích trong đời sống cộng đồng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước của quê hương cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Kỷ niệm 450 năm ngày mất của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán, là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của ông đối với vùng đất Thừa tuyên Quảng Nam và quê hương Quảng Ngãi. Chúng ta bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn và tưởng nhớ đến một vị tướng tài năng về quân sự, một nhà cải cách đầy tâm huyết, hết lòng vì sự phát triển và ổn định cuộc sống bình yên, mang lại ấm no hạnh phúc của nhân dân.
Tại buổi lễ, thay mặt tộc họ Bùi Việt Nam, ông Bùi Quang Ngọc Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng họ Bùi Việt Nam cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh và thành phố Quảng Ngãi đã đặc biệt quan tâm gìn giữ, tôn tạo di tích cũng như tổ chức long trọng buổi lễ; kêu gọi bà con họ Bùi cả nước nói chung và họ Bùi Quảng Ngãi nói riêng hướng về cội nguồn vinh danh tổ tiên, đậy là dịp để tăng thêm sức mạnh tinh thần yêu nước, đoàn kết, tuân thủ pháp luật, là lương thiện, động viên con cháu trong dòng tộc chăm học, chăm làm, xây dựng cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn, đó chính là ý nguyện của tổ tiên, của cha ông dòng tộc họ Bùi để lại…
Nhân dịp này, Nhà giáo ưu tú- Tiến sĩ Bùi Phụ Anh – Trưởng Ban Quản trị đền thờ Bùi Tá Hán (Cháu đời thứ 14 tại phường Quảng Phú – TP Quảng Ngãi) cũng đã tự hào nêu rõ việc kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng tộc họ Bùi Việt Nam nói chung và con cháu họ Bùi ở Quảng Ngãi nói riêng, trong đó, họ Bùi đã học theo tấm gương của ông Bùi Tá Hán, đoàn kết một lòng, hướng về tổ tiên, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống mà cha ông để lại, đồng thuận, đồng lòng noi gương Trấn quốc công Bùi Tá Hán để làm rạng danh dòng tộc, rạng danh quê hương Quảng Ngãi và tộc họ Bùi Việt Nam. Ông Bùi Phụ Anh chia sẻ: Lăng ông Bùi Tá Hán trải qua bao thăng trầm lịch sử, bao biến thiên của thời cuộc vẫn mãi mãi là nơi tôn nghiêm để con cháu Bùi tộc hướng về, nhân dân trong vùng tôn kính, thờ phụng nay đã xuống cấp đang rất cần được sự quan tâm hơn nữa của nhà nước, của bà con cộng đồng họ Bùi- Việt Nam và nhân dân cả nước chung tay trùng tu và tôn tạo được khang trang hơn. Gương đức ông Bùi Tá Hán đối với quê hương Quảng Ngãi nói riêng và với lịch sử dân tộc nói chung mãi mãi trường tồn trong lòng cháu con muôn thế hệ.
Rất tuyệt vời. Thông tin về Lễ tưởng niệm 1.000 năm cụ Bùi Quang Dũng đã qua gần 1 tuần rồi mà chưa thấy đưa lên web nhỉ?