Bài viết tham dự Hội thảo họ Bùi Việt Nam với 1000 năm Thăng Long
Đắp bồi thêm chiều dầy lịch sử, văn hóa và phát triển Thăng Long – Hà Nội
Trong suốt chiều dài lịch sử kể từ khi hình thành cho đến nay, Thăng Long – Hà Nội là kết quả của bao biến động thăng trầm, là thành quả mồ hôi nước mắt, công sức trí tuệ và cả xương máu của lớp lớp người, bao thế hệ người Thăng Long đã xây dựng nên.
Thăng Long kinh đô, nơi hội tụ tinh hoa đất nước, rồi từ đây lại lan toả đi khắp nơi những gì tinh tuý đã được chắt lọc và hun đúc nên. Tất cả những thành tựu đó, dù là vật thể hay phi vật thể, hữu hình hay vô hình nhưng để có được như hôm nay hẳn đã phải lắng đọng và bồi đắp từ muôn lớp dầy của thời gian lịch sử. Trong cái mênh mông, rộng lớn ấy thì con người! chính là con người đã tạo ra những giá trị đó rồi lại nâng tầm và làm cho nó thăng hoa hơn.
Mỗi người, mỗi cá thể hay một nhóm người, một cộng đồng người cụ thể hơn là một dòng họ, hay nhiều dòng họ với những bản sắc văn hoá khác nhau cùng tồn tại và phát triển, cùng nhau xây dựng để rồi lại cứ thế tiếp nối qua bao đời mà có được những hiện hữu của ngày hôm nay.
Từ cái rộng lớn đó, ta hãy nhìn vào cái nhỏ hơn, gần gũi hơn để mà đánh giá thì sẽ thấy sự hình thành và phát triển các chi họ, dòng họ trong cộng đồng dân tộc, trong lịch sử với đặc trưng là văn hoá dòng họ có những giá trị và đóng góp to lớn. Với dòng họ Bùi Phất Lộc, Thăng Long, Hà Nội điều này cũng được thể hiện qua những nội dung cơ bản dưới đây.
I- Thời điểm xuất hiện :
Đề cập đến dòng họ Bùi-Phất Lộc, có thể thấy sự có mặt của dòng họ này ở Thăng Long là vào nhiều thời điểm, giai đoạn khác nhau với nhiều lý do khác nhau. Để rồi trở thành một dòng họ mang cùng cái danh chung là họ Bùi Phất Lộc, Thăng Long. Điều này được lý giải bởi sự khởi nguồn và quần tụ từ 3 nhánh họ Bùi ở Phất Lộc, Thái Bình lên Thăng Long (trước khi có tỉnh Thái Bình nơi đây thuộc tỉnh Nam Định) gồm:
* Nhánh lên đầu tiên, với vị Thuỷ tổ là thành viên của một ngành thuộc dòng họ Bùi-Phất Lộc, Thăng Long (một chi trong họ Bùi Đại tộc ở Phất Lộc, Thái Bình). Ông là Tổ 10 đời của Gia Nghiêm Bùi Thiện Căn (1885-1943), ông lên Thăng Long vào đời vua Lê Anh Tông (1556 – 1573) và ngụ cư tại vùng địa phận khu vực ngõ Phất Lộc ngày nay (“Tục biên Bùi tộc phổ chi” của Bùi Thiện Căn). Lý do lên là: do “Binh hỏa loạn lạc” ở quê Phất Lộc, Thái Bình.
* Sau đó gần 150 năm vào năm Đinh Dậu (1717) niên hiệu Vĩnh Thịnh đời nhà Lê, lại có một người cũng từ Phất Lộc, Thái Bình lên Thăng Long. Ông là Bùi văn Mạo (1697 – 1731) theo truyền dẫn trong dòng họ (Phất Lộc, Thái Bình) để lại thì ông lên thi ở Quốc Tử Giám sau đó đã định cư tại Thăng Long và tìm kế sinh sống ở đây lâu dài. Từ cuộc đi này, ngẫu nhiên ông trở thành Thuỷ tổ của một ngành khác cũng thuộc họ Bùi-Phất Lộc, Thăng Long (một chi trong họ Bùi Đại tộc ở Phất Lộc, Thái Bình).
* Cùng vào thời điểm này, còn có một nhánh khác cũng từ Phất Lộc, Thái Bình lên Thăng Long nhưng với lý do “vì ở gần biển nước triều, nạn nước lụt thời nhà Lê tổ tiên nhà đồng tình dời lên ở thành Thăng Long” do ông Bùi Ngọc Lễ hiệu Đôn Phác, Tráng Sĩ tướng quân và gia đình cùng lên.
Như vậy lý do mà các chi, nhánh, ngành của dòng họ Bùi-Phất Lộc dời lên Thăng Long là do các nhu cầu: tránh chiến tranh, thiên tai và do nhu cầu phát triển văn hoá.
II- Sự hình thành, phát triển nghề mới ở nơi ngụ cư mới:
Việc có mặt những cộng đồng dân cư từ các nơi về Thăng Long vào các thế kỷ XV, XVI, XVII là do nhiều nguyên nhân, mục đích khác nhau nhưng có thể khẳng định được là từ các cuộc đi này, họ đem theo cả công việc, nghề nghiệp mưu sinh vốn có của mình để lên sinh sống tại Thăng Long.
Nhiều ngành, nghề thủ công đã hình thành nên những làng nghề, phố nghề ở kinh đô Thăng Long thời Lê. Có những nghề, phố nghề còn giữ được cho đến ngày nay như nghề thêu, nghề vàng bạc, nghề chạm đúc đồng… ngược lại có nhiều nghề, phố nghề đã mất đi do sự thay đổi của cuộc sống, nhu cầu và nhiều nguyên nhân khác, để lại chỉ còn là tên tuổi, dấu tích và kỷ niệm của một thời sống động đã qua.
Để hiểu rõ và cụ thể hơn quá trình hình thành, phát triển dòng họ cũng như những giá trị của nó, xin được đề cập đến quá trình hình thành và phát triển một chi ngành trong dòng họ Bùi Phất Lộc-Thăng Long, chi của ông Bùi Văn Mạo.
Cũng như nhiều dòng họ khác từ tứ Trấn về Thăng Long ngụ cư, dòng họ Bùi-Phất Lộc mà khi đó là ông Bùi Văn Mạo (đời thứ 11) cùng vợ con, rồi sau đó là anh em, họ hàng làng xóm của mình đã tới Thăng Long. Ông đã đem theo nghề mưu sinh của gia đình và vợ, của “thủa ban đầu” là nghề bán, buôn các loại mắm, muối được làm từ nguồn nguyên liệu mắm, nước mắm và muối ở dưới quê lên, để tạo lập cuộc sống ban đầu khi tới miền đất mới.
Tuy vậy các ông chỉ là những thư sinh, nho sinh hoặc là những người không phải trực tiếp đối diện với những gian nan, vất vả của cuộc sống hàng ngày (việc cơm áo gạo tiền) nên không thể chủ trì được việc buôn bán, tất cả việc này đều phải nhờ vào tay các cụ bà đảm đương, quán xuyến. Bởi những người con dâu trong dòng họ Bùi luôn “nổi tiếng” là những người đàn bà đảm đang, tháo vát.
Nối tiếp các đời sau, vẫn là các cụ bà mở mang công việc buôn bán ngày càng phát đạt hơn, cơ nghiệp được mở mang thêm gấp nhiều lần đời trước. Chẳng hạn như: Đến đời thứ 14, cụ bà Cao Thị Tính (1793 – 1853) vợ của Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng đã “Mở mang cơ nghiệp nền móng gấp mấy lần tiền nhân” (Bùi Thị Gia phả ký VHv-1337 họ Bùi Phất Lộc-Thăng Long).
Đây chính là nền tảng để các lớp con, cháu sau này được học hành, thi cử thành đạt mà theo con đường quan hoạn (Nghề buôn bán mắm, muối về sau mai một dần và mất hẳn, không còn được biết đến là vì nhẽ này).
Ông Mạo lên Thăng Long, ngụ cư tại địa phận ngõ Phất Lộc vào thời điểm đó là có nguyên nhân. Bởi nơi đây, có người cùng dòng họ với ông đã sống từ nhiều đời trước (nguyên nhân thứ nhất). Một nguyên nhân nữa, chính khu vực này thuộc vùng cửa Giang Khẩu – Hà Khẩu của kinh thành Thăng Long, nơi tập trung trên bến dưới thuyền rất thuận tiện cho việc giao thông, giao thương bằng thuyền bè (nguyên nhân thứ hai).
Việc ngụ cư ở đây còn quan trọng vì nó thuận tiện cho việc giữ gìn mối liên lạc với quê hương thông qua con đường giao thông là đường sông, bằng thuyền bè. Vì đây là loại phương tiện và loại đường lưu thông phổ biến ở nước ta thời đó.
Ông Mạo “dựng nhà ở giáp Phúc Lộc, phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương (tên cũ là Giáp Cập) con cháu phồn thịnh, ngày càng đông đúc, ông bèn lập hương quán và nhập tịch ở đó thành một tộc lớn trong phường” (Trích trong Bùi Thị Gia phả ký VHv-1337).
Do con cháu, anh em, họ hàng, làng xóm ở đây toàn là người ở Phất Lộc, Thái Bình và do muốn thỏa nỗi “nhớ” về quê hương Phất Lộc ở dưới Thái Bình nơi xa, mà phải chăng? tên gọi “ngõ Phất Lộc” đã được đặt ra, gọi ra, rồi trở thành cái “danh” quen dần mỗi khi nhắc đến… ngõ Phất Lộc của ngày hôm nay.
Tất nhiên tên gọi “ngõ Phất Lộc” không phải có ngay từ thời điểm ông Mạo lên Thăng Long, có lẽ phải mãi về sau này khi người ở đây đã đông hơn lên, nơi sinh sống được phân chia thành khu vực, địa giới là ngõ, phường (phường Hà Khẩu), phố… thì mới gọi như vậy. Tuy nhiên tên gọi ban đầu của khu vực có ngõ nằm trên thuộc giáp Phúc Lộc không phải là Phất Lộc, sau đó đến thời nhà Nguyễn do trùng với tên húy, hiệu của vua nên mới đổi thành Phất Lộc.
Con cháu họ Bùi đông, ở rải rác các phố khác, nhưng những ngày giỗ tổ, tết, về tập trung ở đình và nhà thờ họ tế lễ ăn uống – Đình Phất Lộc xưa (ảnh chụp trên tờ Thời báo ở California, Mỹ ngày 13/4/2003)
Cũng chính việc mở mang buôn bán mà tạo nên những khu vực buôn bán sầm uất ở xung quanh ngõ Phất Lộc vào thời đó. Có nơi thì tập trung chuyên bán các loại mắm như mắm tôm, mắm tép, mắm cáy, nước mắm… Nơi khác lại chuyên bán buôn, bán lẻ muối các loại và để phục vụ cho việc bán các loại hàng này, phải có những đồ dùng, vật dụng để chứa, đựng… Từ đó lại hình thành nên nơi chuyên bán các loại: chĩnh, hũ, vò, sành, chum, vại, ang, cóng…
Tất cả những hoạt động này cùng nhau tạo thành một khu vực buôn bán rất sầm uất và có mối liên quan đến nhau. Phải chăng? đó chính là sự ra đời của phố Hàng Mắm, Hàng Muối và Hàng Chĩnh(*)…
Về sau do nhu cầu, việc buôn bán còn mở rộng sang các ngành hàng khác như buôn bán cá khô, cau… cùng với việc mở rộng địa bàn sang khu vực Hàng Bè, Hàng Bạc, Mã Mây… nhiều nghề khác xuất hiện như làm thuốc Tế độ, khắc gỗ bản in chữ Nho, nghề bồi tranh…
Các đời con cháu họ Bùi sau còn mở rộng buôn bán sang cả nhiều lĩnh vực khác như tơ, lụa, vải vóc ở khu vực phố Hàng Đào, Hàng Ngang… ngày nay những địa danh này là các con phố nhỏ nằm trong khu vực phố cổ Hà Nội, đã đi vào thơ ca và tâm trí của người Hà Nội nói riêng cũng như cả nước nói chung.
III- Con người, công việc và sự kiện:
Đề cập đến sự đóng góp cho quá trình lịch sử xây dựng và phát triển Thăng Long, Hà Nội là đề cập đến nhiều mặt, nhiều khía cạnh của quá trình này. Đóng góp có thể là những công trình văn hoá, kiến trúc… các tác phẩm văn học, nghệ thuật, thơ ca…hoặc các văn bia, câu đối, tục lệ, hương ước làng xã… có lẽ là rất nhiều nhưng có một đóng góp rất quan trọng không thể thiếu được và không thể không nói đến đó là đóng góp về con người. Điều này nói không hề sai, bởi vì chính họ là người làm nên lịch sử.
Nói về yếu tố con người, thì các dòng họ chính là nơi hun đúc, sản sinh ra chứ không đâu khác, đơn cử như ở dòng họ Bùi-Phất Lộc, Thăng Long các thế hệ tiền nhân đi trước đã khai đường mở lối, dựng cơ nghiệp để con cháu các đời nối sau có nền tảng phát triển. Noi gương tổ tiên phát huy những bản chất tốt đẹp có văn hóa, truyền thống hậu duệ các đời sau của dòng họ tham gia tích cực vào việc xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước thể hiện qua những công việc và trách nhiệm được giao phó:
1- Dòng Bùi Xuân– họ Bùi Phất Lộc, Thăng Long với tên đệm lúc ban đầu là “Xuân” còn hiện nay là “Tường”. Là dòng lên Thăng Long đầu tiên thế kỷ XVI đã đóng góp nhiều người con cho Thăng Long (tư liệu Gia phả dòng Bùi Xuân- họ Bùi Phất Lộc, Thăng Long)
– Ông Bùi Xuân Nghiễn làm Huấn Đạo Quảng Xương, Thanh Hoá. Ông rất thanh liêm, tuy làm quan nhưng nhà cửa thanh bạch.
– Đời sau, ông Bùi Xuân Tiên làm Giáo Thụ rồi Tri phủ Hà Trung, Thanh Hoá. Ông rất thanh liêm, đối với dân lấy giáo dục, khuyên răn là chính. Rất có uy tín với dân, được cấp trên tín nhiệm. Được phong Hàn Lâm tu soạn lạc phẩm, Phụng Thành Đại phu.
– Nối tiếp đời sau, ông Bùi Khánh Diễn (1853-1914) Thị lang bộ Hình sung Thượng Thẩm viện Án sát Hồng lô Tự khanh người mà bên cạnh chức trách công việc còn có một tâm hồn và sự nghiệp văn chương lỗi lạc.
+ Ông làm Chủ bút phần chữ Nho cho báo Đông Văn nhật báo trong 12 năm đồng thời dành nhiều công sức thực hiện việc dịch và diễn nghĩa tác phẩm Kiều sang tiếng Pháp.
+ Trong thời gian làm Đốc học ở Hưng Yên ông vừa trông nom việc giảng dạy học tập vừa lập đền Tam Thanh để đăng đàn Giảng thiện hưởng ứng tinh thần của Văn hội Thọ Xương.
+ Ông viết một số tác phẩm, trong đó có: Nhập Địa Nhan Toàn thư Hạ quyển VHb. 92, Trang Liệt văn sách A.125, VHv.1247/1-2 và sáng tác rất nhiều thơ, phú …
– Tiếp nối đời sau, ông Bùi Thiện Căn (1885-1943) Tuần Phủ tỉnh Phú Thọ. Khi làm việc ở Ninh Bình ông có công cho xây một con đê ngăn nước mặn ở Kim Sơn, lấn biển lập làng mới ở tổng Tuy Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Sau đó ở Ninh Giang, tỉnh Hải Dương ông cho đào một con kênh dài 11 km để đem nước ngọt vào tưới ruộng giúp dân canh tác ở tổng Văn Hội
quan Tuần phủ Phú Thọ Bùi Thiện Căn và Phu nhân
+ Khi trấn nhiệm ở Phú Thọ ông cho thiết lập hơn 700 khu canh tá nhỏ ở các địa phương, khuyến khích mở đồn điền, trồng chè, xây dựng đường sá giúp cho giao thông thuận lợi. Nhờ vậy mà sản lượng chè Phú Thọ đạt sản lượng cao và nổi tiếng trên thị trường chè Đông Dương.
+ Ông tham gia Hội Khai Trí Tiến Đức, tham gia chấn hưng Hội Phật Giáo Việt Nam được cử làm Hội trưởng Hội Phật Giáo Việt Nam.
– Ông Bùi Thiện Cơ (1889 – 19..) em trai Bùi Thiện Căn, Tuần Phủ, Tổng Đốc tỉnh Hải Dương.
+ Trong thời gian làm ở phủ Xuân Trường, Nam Định ông đã cho xây dựng trường Nữ học Nam Định và một số trường khác ở Hà Nam. Ngoài hoạt động trong quan trường ông còn tham gia nhiều công tác từ thiện, xã hội và giáo dục tại các tỉnh Bắc Kỳ và Hà Nội.
+ Ngày 15/1/1951 Hội Việt Nam Phật Giáo bầu Ban Trị sự mới, ông được cử làm Hội trưởng Hội Việt Nam Phật Giáo. Tuần báo tin tức Phật giáo là Báo Đuốc Tuệ do ông làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút.
– Đời sau, ông Bùi Tường Chiểu (1904-1978) Tiến sĩ Luật học tại Pháp, Luật sư Tòa Thượng thẩm. Ông làm Luật sư tại trường Luật khoa Paris, sau đó làm Luật sư Toà Thượng thẩm ông là luật sư nổi tiếng ở Hà Nội trong nhiều vụ án chính trị, hình sự và là người đỡ đầu cho Luật sư Phan Anh khi mới học xong ra làm việc, (sau là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Bộ Công thương rồi Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, Bộ Ngoại thương và Phó Chủ tịch Quốc hội) tại văn phòng luật sư của ông ở Hà Nội.
2- Dòng Bùi Ngọc – họ Bùi Phất Lộc, Thăng Long lên Thăng Long vào thế kỷ XVIII có ba đời theo triều Tây Sơn đánh giặc. Các thế hệ sau kế tiếp làm Võ tướng, cụ Bùi Ngọc Doãn là Vệ úy Tướng quân Doãn Tài nam theo vua Quang Trung đánh giặc Mãn Thanh giải phóng kinh thành Thăng Long. Ông được phong đất ở bãi Bình Lao (tư liệu gia phả dòng Bùi Ngọc, họ Bùi Phất Lộc, Thăng Long)
– Nối tiếp đời sau là ông Bùi Ngọc Phê Đội cơ thất Hà Thành
– Tiếp sau, ông Bùi Ngọc Cung Trung Thuận Đại phu
– Nối tiếp sau, ông Bùi Ngọc Cừ (1859-1933) Phụng Thành Đại phu. Về sau, do được tiếp thu và tiếp cận với văn minh khoa học kỹ thuật mới, ông trở thành Họa viên Giao thông Công chánh (Thiết kế bản vẽ chi tiết) khi Pháp sang ta làm cầu Long Biên. Ông là mẫu người họ Bùi tiếp nhận kỹ thuật Đồ họa thuộc lớp đầu tiên trong họ và của Việt Nam thời thuộc Pháp. Ông tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng cầu Long Biên.
– Đời sau, ông Bùi Ngọc Hoàn (1888-1960) Tham Tri bộ Lễ, Tuần Phủ tỉnh Phú Thọ, Tổng Đốc người soạn văn bia: “Hùng Vương từ khảo” đặt tại đền Thượng khu di tích đền Hùng, Phú Thọ. Đây là văn bia khảo cứu tổng quát về sự tích đền Hùng hoàn chỉnh hơn cả, trong đó làm rõ lịch sử ấn định ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3, lịch sử hình thành mảnh đất lập Đền, sự hình thành các công trình trên núi Nghĩa Lĩnh…
+ Ông viết tựa cuốn sách viết về 3 vở kịch xưa nói về Tổ Hùng Vương (kịch Động Đình hồ, Âu Cơ, và Hùng Duệ Vương).
Quan Tham Tri Bùi Ngọc Hoàn, người được Triều đình giao soạn văn bia
+ Năm 1940 ông mở gian hàng “Sản vật và con người Phú Thọ” tại nhà Đấu xảo Hà Nội giới thiệu nhiều đồ sản xuất từ mây, tre, nan
+ Ông về hưu và theo kháng chiến, trở thành Nhân sỹ yêu nước. Năm 1946 là Hội Trưởng Hội Binh sĩ bị nạn (tiền thân của ngành Thương binh) khu Bạch Mai. Khi đi tản cư ông làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (chủ tịch Mặt trận Tổ quốc) tỉnh Hà Nam (cùng lúc cụ Bùi Kỷ làm Hội trưởng Liên khu 3).
+ Ông tham gia Hội Hợp Thiện đứng ra thực hiện việc giúp đỡ, qui tập, xây dựng các khu mồ chôn cất đồng bào bị chết trong trận đói lịch sử năm Ất Dậu (1945) tại Hà Nội ở khu Quỳnh Lôi, Hà Nội.
– Ông Bùi Ngọc Ái (1906-1943) em trai ông Bùi Ngọc Hoàn, Tham tá Nha Học chính Bắc Kỳ sau đó ông chuyển sang viết báo, đi vận động chống áp bức bóc lột của thực dân Pháp ở Hà Nội và Sài Gòn. Ông viết cho rất nhiều báo Việt Nam xuất bản bằng tiếng Pháp như: La Jeune Indochine, Union Indochinois, Effort Indochinois, Le Travail, La lutte, Le Peule…có thời ông là chủ bút tờ Effort Indochinois. Ông được ví như một Nguyễn An Ninh của Hà Nội.
+ Năm 1938 trong phong trào Dân chủ (thời kỳ Mặt trận Bình dân ở Pháp) ông cùng với các ông Phan Thanh, Bác sỹ Phạm Hữu Chương là đại biểu của Mặt trận Dân chủ đắc cử vào Hội Đồng thành phố Hà Nội.
+ Do những hoạt động bài Pháp của ông (cùng thời với các ông Hoàng Minh Giám, Nguyễn An Ninh, Phan Thanh, Nguyễn Cao Luyện, Trần Huy Liệu…và các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp) gây tác động không có lợi cho chính quyền thuộc địa Pháp nên chúng luôn theo dõi và đã bắt giam ông cùng với ông Vũ Đình Huỳnh vào nhà giam Hoả Lò. Để triệt mầm hậu họa cho Pháp trước một tài năng trẻ, chúng đã cho tiêm thuốc đầu độc ông khiến ông phát điên. Ông mất sớm khi đang ở độ tuổi hoạt động sung sức.
3- Dòng Bùi Huy– họ Bùi Phất Lộc, Thăng Long. Lên Kinh đô vào thế kỷ XVIII là dòng có số “đinh” đông hơn cả, cũng đóng góp nhiều gương mặt cho đất Thăng Long, Hà Nội.
– Đời thứ 12: Ông Bùi Đình Chí (1721-1789) Thuyên thí Tướng Sỹ lang Thừa Hoa điện. Chủ trì tại tòa Khâm Thiên Giám, rồi điện Thừa Hoa.
– Đời thứ 13:
+ ông Bùi Huy Thận làm Binh bộ Viên Ngoại lang Thái Xương nam.
+ ông Bùi Huy Nông Thủ Hợp trấn Sơn Nam.
+ ông Như Nguyệt Bùi Huy Đoàn mở nhà in “Như Nguyệt đường” ở khu vực Văn Chỉ Thọ Xương, khắc ván, in sách với mong muốn truyền bá văn hóa, tuyên truyền, dẫn dạy, khai mở kiến thức trong dân chúng. Ca ngợi, nêu cao những tấm gương anh hùng của dân tộc, truyền thống hiếu học, văn hóa, khoa cử các triều đại trước và lớp người đi trước. Ông còn tham gia đóng góp nhiều của cải, đất đai (hơn 1 mẫu 6 sào)…cho Văn Chỉ Thọ Xương, Văn Hội Thọ Xương.
– Đời thứ 14: có:
+ ông Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng (1794-1862) Hội phó Văn Hội Thọ Xương người giành cả cuộc đời hoạt động không mệt mỏi, đóng góp to lớn cho phong trào Văn thân Sỹ phu cùng các tổ chức như Văn Hội Thọ Xương, Hội Hướng Thiện ở Thăng Long, Hà Nội.
+ ông Bùi Huy Xanh Thủ Hợp tỉnh Hải Dương.
+ ông Bùi Huy Côn Tri Huyện Đông Sơn, Thanh Hóa nổi tiếng thơ văn được lưu trên bia đá ở nhiều nơi như chùa Kim Liên, Nghi Tàm-hồ Tây, đền Quán Thánh…ở Hà Nội.
– Đời thứ 15: có
+ ông Bùi Huy Tuyên (1816-1862) Huấn đạo Thạch Thất, Tri châu châu Thủy Vỹ (là địa bàn tỉnh Lào Cai và một số phần diện tích khác ngày nay) trông coi miền biên viễn của đất nước.
+ ông Bùi Huy Cù Hàn Lâm viện Thị giảng Học sỹ Triều Liệt đại phu
– Đời thứ 16: có
+ ông Bùi Huy Đạt (1848-1917) làm ở Tập Hiền viện, Hàn Lâm Thị giảng Học sỹ, Phụng Nghị Đại phu. Nổi tiếng viết chữ Hán rất đẹp với danh “Bút thiếp thức” ông thường được giao viết, thảo các sắc, dụ, chiếu của vua. Khi vào làm quan ở Kinh thành Huế, ông được vua Thành Thái mời dậy cho thái tử, sau này là vua Duy Tân.
quan Hàn lâm Thị giảng Học sỹ Bùi Huy Đạt, Tập Hiền viện Phụng Nghị đại phu
Ông dâng tặng vua Thành Thái bản chép tay chữ Hán của mình tác phẩm “Ngọc Hiên lư mộ hậu tập” của cha là Cư sỹ Bùi Huy Thiều. Vua Thành Thái rất cảm kích về truyền thống Gia phong và Hiếu nghĩa của dòng họ Bùi-Phất Lộc. Vua đã ban thưởng và cho đưa tác phẩm này vào Chính Kinh của triều đình (*)
quan thư tượng Bùi Ngọc Hiên (chân dung Bùi Ngọc Hiên xem sách). Mai Phố Lão giả Ngọc Hiên cư sỹ Bùi Huy Thiều tác giả tập thơ “Lư mộ hậu tập” được đưa vào Chính kinh của triều đình
+ ông Bùi Huy Uyển là Hàn Lâm Thị giảng Học sỹ, Triều Liệt Đại phu.
+ ông Bùi Huy Lượng là Hàn Lâm Thị độc Học sỹ, Trung Thuận đại phu.
– Đời thứ 17: có
+ ông Bùi Huy Lợi là Hàn Lâm Thị độc Học sỹ
+ ông Bùi Huy Độ là Tham Biện, ông Bùi Huy Đức Tuần Phủ, Tổng Đốc tỉnh Vĩnh Phúc…
+ ông Bùi Huy Tiến Tuần Phủ tỉnh Bắc Giang
– Đời thứ 18: Các con, cháu tham gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực và đều thành đạt, có thể nêu thí dụ như ở lĩnh vực may mặc, thời trang có ông Bùi Huy Nhượng (1903-1976) nổi tiếng là nhà may hàng đầu ở Hà Thành và trong toàn quốc với thương hiệu “nhà may sơ mi Bùi Huy Nhượng” từ thời Pháp thuộc.
Cho dù nhận trọng trách công việc gì, làm việc ở đâu, giữ chức vụ gì! các ông những người con họ Bùi đều giữ trong mình những bản chất tốt đẹp của một dòng họ có truyền thống, nề nếp gia phong, có lòng yêu nước thương dân. Sống tốt lòng, đem hết khả năng của mình ra giúp cho dân cho nước. Không chịu khuất phục, luồn cúi trước sai trái, cường quyền.
ảnh chụp năm 1919 tại khu vực Trại của dòng họ ở ngõ chùa Liên Phái, Bạch Mai, Hà Nội gồm có một số cụ, ông và cháu, chắt ở một số chi trong dòng họ Bùi-Phất Lộc
Việc liệt kê tên tuổi, chức trách công việc, nơi làm việc và các lĩnh vực cụ thể của nhiều người, nhiều thế hệ trong một dòng họ không phải để biểu đạt mục đích gì, mà điều muốn nêu ở đây chính là sự minh chứng cụ thể về giá trị con người trong những đánh giá, khẳng định của Thăng Long – Hà Nội có đúng là nơi hội tụ những tinh hoa của đất nước rồi lại lan toả đi các nơi những gì tinh tuý được hun đúc nên hay không?
IV- Các giá trị văn hoá tinh thần:
Bên cạnh các giá trị hiện hữu có thể nhìn thấy và đánh giá được còn có những giá trị không hiện hữu, vô hình mang ý nghĩa tinh thần, nhân văn mà ta không nhìn thấy nhưng nó lại được gìn giữ, nâng niu quý trọng như báu vật quí giá của dòng họ như một tài sản tinh thần. Xét về khía cạnh văn hoá, nó thật đáng được trân trọng bởi những giá trị đó đã làm cho tính văn hoá được nâng lên một tầm cao hơn. Đấy là những lời răn, dạy và căn dặn của tổ tiên để lại. Những bài học về phép ứng xử và lễ nghi. Những câu chuyện trong cuộc sống đời thường của “thủa xa xưa”. Những câu chuyện về cách sống ngay thẳng và bài học về tấm lòng hiếu nghĩa với cha mẹ… còn ghi trong gia phả thể hiện dưới đây:
1- Những lời căn dặn của Tiên tổ, thế hệ trước để lại: cụ Bùi Đình Chí (đời thứ 12) luôn dạy các con cháu: “Ta làm việc quan thanh liêm lấy phúc để lại cho con cháu sau”…“các con cháu phải siêng năng chức phận, nghề nghiệp nhà việc đi học, làm thuốc là gốc”.
2- Những câu chuyện, tấm gương, bài học về tình thương yêu đồng loại, chia sẻ và cảm thông với nỗi khó khăn của người dân nghèo trong cuộc sống, được ghi trong gia phả. Câu chuyện về cụ bà Vương Thị Thiện (1740-1811) vợ của cụ Bùi Đình Chí:
“Tháng chạp, ngày ba mươi Tết. Buổi chiều tối, thấy một người đàn bà bán một gánh bún ngồi khóc, cụ mới hỏi: thì chị ta nói rằng, năm hết Tết đến mà nhà nghèo chưa mua được vàng mã, đồ Tết. Mang bún đến đấy bán thì đã tối rồi. Cụ bèn lấy năm (5) quan tiền, mua cả gánh bún đem về chia hết cho láng giềng ăn giúp”.
3- Những bài học về phép ứng xử trong gia đình, dòng họ, ngoài xã hội…cách xử sự và hiểu biết về những sự kiện, sự việc diễn ra trong cuộc sống hàng ngày như việc: Quan, Hôn, Tang, Tế…
4- Những giai thoại kể về sự đóng góp; hằng tâm hằng sản góp sức lực, của cải vào những việc có ích cho dân, cho nước. Đóng góp vào việc tôn tạo, sửa chữa, xây dựng các công trình văn hóa, kiến trúc… rồi cẩn thận căn dặn lại các lớp con, cháu nối tiếp những công việc đó, như lời nhắn nhủ trong bài thơ khắc trên bia đá gắn ở trên tường Hậu cung của Văn Chỉ Thọ Xương với ngụ ý:
“Một ngôi nhà lâu năm sinh ra rêu, chim chóc ăn quả tha đến, lâu dần
sẽ sinh ra loài cây ký sinh. Vả lại, gạch và cây là loài tương hợp, lại thêm
mưa móc, cây phát triển rễ đâm xuyên gạch ngói, thành ra hư hỏng.
Con cháu ta trong Văn Hội Thọ Xương nếu nhìn thấy việc ấy, khi sửa
sang việc tế tự thì mau cắt bỏ đi. Đó là lời dặn dò thiết thực”
(trích trong bài viết “Văn Chỉ Thọ Xương” của PGS.TS Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học, đăng trên Tạp chí Truyền hình Hà nội số 38 tháng 8/2007).
bia đá khắc bài thơ trên tường hậu cung Văn Chỉ Thọ Xương
5- Những câu chuyện về tấm lòng hiếu thảo đối với cha mẹ của anh, em nhà Cư sỹ Bùi Huy Thiều, các ông làm “lều” bên mộ cha mẹ 3 năm để cư tang, báo hiếu. Từ đó vấn mình, làm ra những bài thơ rất xúc động lòng người nói về nỗi lòng của con đối với cha mẹ. Có bài thơ đã được viết bằng máu trong tập “Ngọc Hiên lư mộ hậu tập” A.2859, gồm 86 bài thơ.
6- Những giai thoại, những câu chuyện không ghi trong sử sách nhưng rất thật và riêng tư được lưu truyền, kể lại trong dòng họ, truyền từ đời cha, sang đời con cho đến cháu, chắt sau này. Đó là câu chuyện riêng về cụ Bùi Huy Đạt:
“Trong thời gian làm quan tại Huế, vào dịp khánh thành cầu Long Biên năm 1902 khi đó gọi là cầu Poul Doumer. Cụ Bùi Huy Đạt tháp tùng vua Thành Thái ra dự lễ Khánh thành. Vào đêm trước hôm khánh thành, ông có nghe kể rằng:
Để xây nên cây cầu này, biết bao xương máu của người dân Thăng Long đã đổ xuống, nên việc uống chén rượu mừng khác chi uống trên máu nhân dân.
Vốn là người yêu nước thương nòi, ông thưa lại với vua Thành Thái và xin nhà vua không tham dự quay về Huế nhưng đến nửa đêm thì vua Thành Thái bị lên bắp chuối ở chân không thể đi được. Ông bèn xin phép vua và một mình trở về Huế ngay trong đêm… Sau đó ông xin từ quan về ở ẩn làm Cư sỹ, bốc thuốc và dạy học cho đến khi mất”.
Vậy có phải vì mang những tình cảm, nhân cách và tư tưởng ấy mà ông làm quan được ở trong triều của hai vị vua yêu nước là vua Thành Thái và vua Duy Tân? Từ công việc nhưng cũng là cơ hội để ông được gần gũi vua, bầy tỏ những suy nghĩ của mình thông qua bài giảng, dậy. Phải chăng? chính những điều đó đã ảnh hưởng đến một phần nào tư tưởng, hành động của người học trò – vua Duy Tân(*)
7- Lập tục lệ: Để cho tình cảm, mối quan hệ họ hàng, dòng tộc được giữ gìn, không phôi phai theo thời gian và nhắc nhở con cháu luôn nhớ đến công ơn của các thế hệ trước. Dòng họ Bùi Phất Lộc, Thăng Long còn hình thành một tục lệ gọi là“Đăng cai”. Tục lệ này được gắn với một sinh hoạt ẩm thực rất độc đáo đó là “Cỗ lòng giấm” được tổ chức ở khu vực lăng mộ Tổ của dòng họ ở đằng sau Văn Chỉ Thọ Xương chếch về phía nam.
VI- Loại hình “Cộng đồng làng xã” ở chốn Kinh thành:
Việc nghiên cứu sự xuất hiện, hình thành và phát triển một cộng đồng hay một chi họ, dòng họ trên đất Thăng Long sẽ là đầy đủ và toàn diện hơn, khi nhìn nó dưới góc độ là một hệ thống hay mô hình bao gồm các thiết chế, các hoạt động văn hoá, hoạt động cộng đồng hay hoạt động đời sống… khép trong không gian dòng họ, được đan xen, kết nối và bổ sung cho nhau để tạo thành một giá trị hoàn chỉnh về văn hoá phản ánh tính “Cộng đồng làng xã” của người Việt Nam trong cuộc sống nơi Kinh thành, đó là các hoạt động mang tính cộng đồng như:
1- Ban đầu những người họ Bùi là con cháu, anh em, họ hàng và người làng xóm có cùng quê hương, nơi xuất phát ra đi từ Phất Lộc, Thái Bình cùng quần tụ về một nơi để sinh sống, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống ở khu vực ngõ Phất Lộc và xung quanh đấy. Cho dù thời điểm đến có khác nhau nhưng với việc quần tụ này tạo thành một tộc lớn trong phường, lập thành hương quán… Trở thành một cộng đồng mới ở nơi sinh sống mới.
2- Sau đó lại đem những nghề nghiệp mưu sinh vốn có ở nơi quê hương lên để hành nghề sinh sống ở Thăng Long như nghề buôn bán mắm, muối hay buôn bán chĩnh, vại, chum, hũ, ang… để rồi lại cùng nhau quần tụ buôn bán làm nghề mà tạo nên những ngõ Phất Lộc, phố Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Chĩnh…
3- Cùng nhau đóng góp tiền của, công sức để xây dựng đình thờ “vọng” đức Thành hoàng làng – Bảo Hoa công chúa ở Thăng Long như đình thờ ở dưới quê hương Thái Bình, để duy trì niềm tin, sự tôn kính theo truyền thống đã có từ trước. Đặt tên là đình Phất Lộc theo tên gọi như đình làng ở dưới quê.
4- Xây dựng nhà thờ Tổ chính và nhà thờ các chi để nhớ về Tiên tổ, duy trì tâm linh, lòng kính trọng và sự biết ơn các đấng sinh thành, tạo điều kiện cho các hệ tiếp sau biết tường tận hơn và luôn giữ được ngọn lửa tâm linh cháy sáng thông qua việc duy trì lễ giỗ Tổ hàng năm, lễ hội Đình Phất Lộc…
5- Về sau, khi con cháu sinh sôi nảy nở, đông đúc, phồn thịnh phải phân chia thành nhiều chi, ngành rồi lại phải đi làm việc, sinh sống ở nhiều nơi xa, ít có dịp gặp gỡ nhau, thăm hỏi nhau. E rằng! tình cảm theo đó mà nhạt đi nên đã lập ra một cái “Tục lệ” hay cái “lệ” trong dòng họ gọi là “đăng cai”. Đây là tục lệ kết hợp giữa tục Thanh minh và việc “khai đinh” (đinh ở đây là những người con trai trong dòng họ đã trưởng thành, 18 tuổi. Tục lệ này được thực hiện trước tiên với những người thuộc ngành trưởng, rồi đến chi trưởng rồi sau đó mới đến các chi khác theo thứ tự như qui định) để có cơ hội cho họ hàng, con cháu gặp nhau cho tình cảm gần lại với nhau. Nhằm duy trì tục lệ này, trong dòng họ có đặt ra những qui định rõ ràng cho mọi người biết và thực hiện.
V- Địa danh gắn với nhiều ý nghĩa, lịch sử: Ngõ Phất Lộc là:
1. Nơi sinh ra, phát tích ra nhiều chi, nhánh của dòng họ Bùi về sau, để từ đó lại sản sinh những thế hệ người mang chung một cái danh là “họ Bùi Phất Lộc” tại chốn Kinh thành Thăng Long – Hà Nội và nhiều nơi trên đất nước cũng như sau này ở trong nước và nước ngoài.
2. Ghi những dấu ấn nhất định trong những giai đoạn lịch sử:
– Trong thời kỳ hoạt động của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đây là một trong những nơi cất giấu tài liệu và đồ “quốc cấm” của phong trào khi bị Pháp bắt bớ gắt gao. Nhiều người trong họ Bùi chẳng hạn như cụ Bùi Đình Tá đã tham gia tích cực và ủng hộ đóng góp cho quỹ nuôi dưỡng hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục (đọc thêm “Đông Kinh Nghĩa Thục” của tác giả Nguyễn Hiến Lê, NXB Lá Bối, Sài Gòn 1956). Cụ Bùi Xuân Phái dậy học ở Ninh Bình vì Đông Kinh Nghĩa Thục mà thầu việc khai mỏ than ở Nho Quan, Ninh Bình để tạo thêm kinh phí cho hoạt động…
– Là nơi che chở, đùm bọc trong cuộc Kháng chiến “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong 56 ngày đêm chống Pháp 1946 – 1947. Đây là cửa ngõ của Liên Khu I thông ra bờ sông Hồng, nơi tiếp tế duy nhất của ta từ ngoài vào đồng thời là lối thoát ra ngoài của đồng bào ta đang bị tắc nghẽn trong thành phố Hà Nội.
ông Bùi Huy Hùng-Chiến sĩ quyết tử Liên khu 1 (chi Ất dòng Bùi Huy họ Bùi Phất Lộc, Thăng Long, Hà Nội)
Đình Phất Lộc là địa điểm tập trung cho việc liên lạc, dẫn đường. Đầu năm 1947 nơi đây đã trở thành địa điểm mở một lớp huấn luyện cấp tốc đào tạo 72 cán bộ Tiểu đội trưởng bổ sung cho các đơn vị chiến đấu trong Liên Khu I.
– Đây cũng là nơi bậc Nho sỹ uyên thâm xưa (tác giả Kiều Oánh Mậu) lấy làm nơi tu chính tác phẩm “Kim Vân Kiều” trong một nhà thờ họ Bùi (xem phụ lục trong truyện Kim Vân Kiều, NxB-KHXH Hà Nội) được cho là ở nhà thờ dòng Bùi Huy ở số 30 ngõ Phất Lộc, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
các cụ họ Bùi trong Hội Hợp Thiện khánh thành mồ chôn người chết đói năm Ất Dậu (1945) tại Hà Nội (Quỳnh Lôi). Cụ Bùi Ngọc Hoàn đeo kính đứng ở chính giữa
3. Từ địa danh này, nơi sinh ra nhiều người con mang nét đặc trưng cho tính cách của người Tràng An hào hoa, thanh lịch có thể đề cập tới như ông Bùi Huy Hạnh, Bùi Huy Hiển, Bùi Huy Du (Bùi Kính Đức) trong dòng Bùi Huy… hay nét đẹp Hà Thành của những bậc nữ lưu như bà Bùi Thị Thọ từng thi Hoa khôi người đẹp dưới thời Pháp
ông Bùi Huy Du (Bùi Kính Đức) chi Đinh dòng Bùi Huy, Phất Lộc, Thăng Long
thuộc, bà Bùi Thị Tính (Bùi Thị Như Tính) được nhiều báo chí đề cập, đưa tin như bậc nữ lưu của Hà Thành thanh lịch (báo Đầu tư xuân Canh Thìn năm 2000, báo Hà Nội mới năm 2002…).
bà Bùi Thị Tính (Bùi Như Tính) dòng Bùi Ngọc, Phất Lộc, Thăng Long
Hình ảnh cụ bà Bùi Thị Tính năm nay 89 tuổi ở phố Hàng Đào vẫn giữ được đầy đủ các thủ tục cổ truyền trong một buổi làm đầy tháng cho đứa chắt nội và bà còn têm trầu cánh Phượng rất khéo trước sự chứng kiến của các con cháu ở Pháp về năm 2009. Đây là những nề nếp, phép tắc, lễ nghi trong dòng họ còn được lưu giữ, phản ánh những nét giá trị văn hóa và con người của đất Tràng An.
ảnh chụp tại đình Phất Lộc, Hà Nội khoảng năm 1952 gồm các cụ và các ông đại diện cho 1 số chi, ngành thuộc dòng Bùi Huy và Bùi Ngọc họ Bùi-Phất Lộc và một số ông ở họ Lê, Phạm, Ngô như ông Lê Anh (con trai cụ Chí sỹ Lê Đại – Đông Kinh Nghĩa Thục) đứng đầu bên trái, ông Bùi Huy Hiển(đứng thứ 7) từ trái sang
Không biết có phải do ngẫu nhiên hay hữu ý mà ngay từ buổi đầu, nơi định cư mới của dòng họ Bùi Phất Lộc, Thăng Long lại nằm ở ngay vùng trung tâm văn hoá, xã hội và chính trị của Kinh đô nơi diễn ra các sự kiện lịch sử lớn của Thăng Long và con người Phất Lộc tất yếu có can dự vào. Điều vinh dự này là do lịch sử trao cho chứ không phải mong muốn mà có được.
VI- Nhân vật tiêu biểu:
Cũng như những dòng họ khác, nói về công nghiệp của các bậc tiên tổ thì không sách nào kể hết và nếu có viết, thì cũng không biết bao nhiêu là đủ. Có rất nhiều tấm gương để cho các thế hệ con cháu về sau học tập, noi theo. Dòng họ Bùi-Phất Lộc, Thăng Long cũng không ngoài nghĩa đó. Ở đây, xin đơn cử nêu một con người tiêu biểu đó là Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng.
(*)Ông là nhà văn hoá, nhà hoạt động. Là một gương mặt nổi tiếng với những hoạt động và đóng góp to lớn của mình cho văn hoá Thăng Long những năm nửa đầu thế kỷ XIX dưới triều nhà Nguyễn nhưng do những tư liệu về ông chưa được tìm thấy nhiều, nên khi nhắc đến Văn Hội Thọ Xương phần lớn người ta chỉ biết đến những cái tên như: Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Lý, Lê Duy Trung, Nguyễn Văn Siêu, Đặng Huy Tá… mà không biết đến Bùi Huy Tùng.
Thời gian vừa qua, có một số sách và báo chí nói về Văn Chỉ Thọ Xương có đề cập đến ông nhưng chỉ dưới góc độ sơ lược và hạn hẹp, vì thế vai trò và sự nghiệp của ông chưa được hiểu biết một cách đầy đủ. Nhân dịp kỷ niệm Lịch sử 1000 năm Thăng Long, cần làm sáng tỏ thêm về ông, một con người đã đóng góp cuộc đời sự nghiệp của mình cho Thăng Long – Hà Nội.
Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng (1794-1862) sinh ngày 16 tháng 5 năm Giáp Dần (1794) tại phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội nay là địa phận ngõ Phất Lộc, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Ông tự là Tú lĩnh hiệu Như Trai Cư sỹ (Thọ Hà Cư sỹ). Sinh ra trong một gia đình dòng dõi, ông nội là Bùi Đình Chí làm quan Khâm Thiên Giám Thuyên thí Tướng sĩ lang Thừa Hoa điện Tri sự dưới thời nhà Lê. Cha là Bùi Huy Cẩn – Lê triều Tú Lâm cục. Noi gương ông, cha theo con đường khoa cử ông thông minh, hiếu học, quảng bác nhưng phải chăng? do mang tư tưởng truyền thống của gia đình nặng lòng với triều cũ (nhà Lê) mà đỗ Tú tài nhưng thi Hương mấy lần không đỗ được như ý (!).
Sau đó ông đến làm Môn khách tại Kiến An Vương phủ của Thân vương Kiến An là Nguyễn Phước Đại (Phúc Đài, Phúc Nhật) con trai thứ 5 của vua Gia Long, làm việc tại Phủ và tham gia dậy con Thân vương. Ông được ban Sắc làm Tri bạ ở Văn Hàn ty một thời gian sau ông từ chức về “dưỡng nhàn” dậy con, làm việc “thiện sự” và tham gia vào các hoạt động của giới Văn thân, sỹ phu. Cũng từ đây, bắt đầu quãng đời hoạt động sôi nổi không mệt mỏi của ông cho đến khi mất.
Khái quát cuộc đời ông có thể chia làm 2 nét chính đó là:
– Hoạt động trong phong trào của giới Văn thân, sỹ phu, đóng góp to lớn tâm lực cho công cuộc Chấn hưng văn hóa Thăng Long .
– Đóng góp của cải tài sản cho việc tu bổ, tôn tạo, cải tạo nhiều công trình văn hoá lịch sử và làm việc “thiện”.
Bùi Huy Tùng tham gia hoạt động và cùng sáng lập ra Văn Hội Thọ Xương. Với uy tín đức độ, tài năng cũng như những đóng góp to lớn của mình, ông được tôn kính tiến cử làm Hội phó Văn Hội Thọ Xương (Văn tế – Gia phả chi Đinh họ Bùi Phất Lộc, Thăng Long) cùng với vị Hội trưởng là Tiến sỹ Vũ Tông Phan, lãnh đạo thúc đẩy Văn Hội Thọ Xương hoạt động tích cực thông qua 2 trung tâm văn hóa lớn của Thăng Long lúc bấy giờ là đền Ngọc Sơn và Văn Chỉ Thọ Xương (xưa thuộc phường Hồng Mai, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức nay ở ngõ 222 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng như với Hội Hướng Thiện để phát huy những mục tiêu mà Văn Hội Thọ Xương đã đề ra.
1- Nói về hoạt động của Bùi Huy Tùng trong phong trào của giới Văn thân, sỹ phu Hà Thành và Bắc Hà chính là nói đến những đóng góp về tâm lực của ông cho Văn Hội Thọ Xương, Hội Hướng Thiện, Văn Chỉ Thọ Xương và đền Ngọc Sơn trong công cuộc Chấn hưng văn hóa Thăng Long.
Có thể nêu những việc mà ông đã tham gia làm như: Cho tổ chức khắc chữ, in sách, in sách học cho người đi thi, các loại kinh răn dạy; kinh Khuyến thiện, kinh Tâm pháp, kinh Đạo nam, Văn Xương hiếu kinh… Biên soạn, đề từ, biên tập, hiệu chỉnh, viết sách, soạn văn bia, mở trường học, tổ chức Giảng đàn…
1.1– Làm sách, viết sách:
* Tuyển trích sách: Âm Chất văn AC- 32(**)
(trong đó có ghi giải thích, tóm tắt, khuyên làm những việc thiện tránh tham lam độc ác, dối trá…)
* Biên tập, hiệu chỉnh và viết sách, viết tựa sách:
– Ngũ luân ký AC-38: 24tr. (25 x15), có chữ Nôm (in năm Minh Mạng thứ 11-1830) là (Khúc ngâm bằng chữ Nôm, soạn theo thể 6-8 khuyên làm tròn 5 đạo luân thường: nghĩa vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn).
– Khuyết lý hợp toản VHv .427/1-5 , AC.93/1-4, A.3104/a
Có vẽ người, bản đồ, hình múa, đồ thờ. Nội dung nói về thân thế sự nghiệp của Khổng tử và các tiên hiền, tiên Nho…các bài thơ ca, từ, phú, chiếu, dụ, luận, minh, biên, khảo, thuật, câu đối…của vua, chúa, văn nhân nói về Khổng tử và các học trò của Người (in tại Văn Chỉ Thọ Xương năm Thiệu Trị thứ 6-1846).
– Tứ Lễ lược tập A.1016: 430tr., (30 x19), VHv.1166/1-4: 722tr., (28 x16)
(Biên tập năm Minh Mạng, Kỷ Hợi -1839) nói về 4 loại Lễ lớn: Quan (lễ đội mũ cho con trai khi đến tuổi trưởng thành), Hôn (cưới xin), Tang (tang ma, cách đặt tên hèm, viết bài vị, cúng giỗ), Tế (tế Thần, Thánh nơi cung đình, đền miếu) mỗi loại đều có minh họa về nghi thức.
Tác phẩm Tứ lễ lược tập của Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng hoàn thành trước và trong năm 1839
– Lược khuyết lý chí toản yếu
– Kinh tịch cách ngôn AC-37
– Bùi Thị tứ lễ tập (Bùi Thị từ gia lễ)
– Cức vi khuyến giới đoạt mệnh lục hợp biên AC.292 , 1bản in, 202 tr, (25×12) in tại Đa Văn đường năm Tự Đức thứ 6-1853.
+ Văn Xương Đế quân quá cách AC- 292
+ Thái Vi tiên quân quá cách AC- 292
(Nói về cách tu dưỡng bản thân theo Văn Xương và Thái Vi).
+ Khuyến giới đoạt mệnh lục hợp biên (Dẫn 233 chuyện báo ứng trong khoa cử nhằm khuyên người đời sửa chữa lỗi lầm, làm điều thiện, phân biệt tội ác với công đức)
– Công văn thừa sao bản VHv.2/8-9, 6 bản viết
Tập công văn (chỉ, dụ, sớ, tấu, nghị định, tư trát, điều lệ…) triều Nguyễn từ thời Gia Long đến Đồng Khánh về các mặt Quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hoá, hành chính…
+ Công văn cựu chỉ A.2918/1-14. 5478tr, 35×22
+ Công văn cựu chỉ A.3032/1-5. 1822tr, 35×22 (Nói tới việc quân sự ở huyện Nho quan trong đời Cảnh Hưng và Quang Trung).
+ Công văn cổ chỉ A.3086/1-5. 6334tr, 35×22
+ Công văn thừa sao VHv 2/8-9. 260tr, 29×14
+ Công văn tam quyển A.1971. 458tr, 34×22 (Có bài sớ xin đánh giặc Pháp)
+ Công văn tập A.2763. 150tr, 34×22 (Có văn kiện sửa đổi cách ăn mặc của nhân dân, cải chế dụng cụ đo lường và truyện cười về truyện lựa chọn thầy lang, thầy phù thuỷ về Kinh).
* In sách:
– Khổng Thị tam xuất biện AC- 36
– Bắc Sứ thông lục A.179
– Thù Phụng biền thể VHv.440
– Thí Pháp bệnh điền bỉ văn A.1349
– Thọ Xương huyện triệu tự lệ VHv.2605 (Điều lệ thờ Tiên hiền và tạo lập Văn Chỉ ở huyện Thọ Xương…ước lệ của Văn Hội Thọ Xương)
– Thọ Xương huyện triệu tự liệt thuyết huyện tự
– Mai Nha kỷ công văn AC.83
tranh vẽ minh họa trong tác phẩm Tứ lễ lược tập
– Sách học toản yếu: in năm Tự Đức thứ tư, thứ năm (1851, 1852) gồm 10 bộ
in tại Đồng Văn trai in tại Tập Văn đường
VHv . 951/1-2 : 702 tr VHv . 883: 250 tr
AC .7/1-3 : 702 tr VHv. 1854 : 180 tr
AC . 294 : 702 tr VHv. 954 : 173 tr
AC . 251/1-2 : 702 tr VHv.1853: 148 tr
VHv .992/1-5: 702 tr AC. 208 : 120 tr
Là các tài liệu trích ở Kinh, truyện Bắc sử để dùng cho người làm văn sách thi Hương và thi Hội:
+ Kinh, truyện: giải thích nguồn gốc, nghĩa lý về những điểm giống nhau, khác nhau hoặc sai đúng của các nhà chú thích về Kinh, Thi, Thư.
+ Sử ký: Nhận xét các vấn đề chính trị, kinh tế từ đời Nghiêu Thuấn đến đời Minh như: chia ruộng, thuế khoá, vận tải, cứu tế, học hiệu, khoa cử, binh bị, hình phạt…
Tất cả các sách trên, cùng nhiều sách và tác phẩm khác đều được cho “khắc, in” ông cùng với chú ruột là Như Nguyệt Bùi Huy Đoàn người sáng lập nhà in Như Nguyệt đường đã tích cực hoạt động, khắc in nhiều sách, kinh tuyên truyền cho các hoạt động của Văn Hội Thọ Xương chính vì vậy mà đến nay nhiều sách còn lưu giữ được ở Viện Hán Nôm.
1.2– Soạn văn bia:
Ông tham gia soạn văn bia ở một số nơi trong đó có bia ở đình Thanh Hà (số 10 phố ngõ Gạch, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là bia “Trùng tu Thanh Hà đình bi ký” do Thọ Hà Cư sỹ Bùi Tú Lĩnh soạn năm Tự Đức thứ 8 (1855) ghi lại sự tích và lịch sử xây dựng đình Thanh Hà có liên quan đến Ô Quan Trưởng – cửa ô duy nhất của Hà Nội còn lại đến ngày nay.
1.3– Mở trường học:
Ở dưới khu Văn Chỉ Thọ Xương, và tại Tư gia ở khu vực ngõ Phất Lộc thỉnh ông Nghè Vũ Tông Phan đến giảng tập, nhiều người đã thành đạt, trong đó có cả con, cháu họ Bùi như: con trai Tú Lĩnh Bùi Huy Tùng là Bùi Huy Tuyên – Cử nhân Ân khoa Thiệu Trị, Tân Sửu (1841) Huấn đạo Thạch Thất, Giáo thụ phủ Vĩnh Tường, Tri châu châu Thủy Vỹ (tỉnh Lào Cai và một số địa bàn phụ cận bây giờ), em con chú ruột là Bùi Huy Côn – Cử nhân khoa Quý Mão (1843) Hành tẩu bộ Lại, Tri huyện Huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, Tú tài Bùi Công Sán, Tú tài Bùi Giản…
1.4– Tổ chức Giảng đàn:
Văn Chỉ Thọ Xương nơi tế lễ và tôn vinh tinh thần của đạo học lại được phát huy thêm giá trị, khi ông và các vị sỹ phu sử dụng làm nơi tổ chức Giảng đàn để giảng các loại kinh, kinh Khuyến thiện nhằm giáo dục mọi người tu dưỡng bản thân, làm những việc có ích cho nước nhà, noi gương các bậc đi trước…Việc tổ chức Giảng đàn cũng được tổ chức rộng ra nhiều địa phương khác như: Hà Đông, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình…
1.5– Khuyến khích và cổ vũ hoạt động cho giới Doanh thương:
Một loạt các cửa hiệu như: Thang Tín Ký, Nghĩa Lợi, Việt Hương, Phúc Long, Hưng Ký, Dụ Hưng… của các doanh nhân, doanh thương và con cháu họ Bùi được mở ra lúc đó cũng như sau này ở khu vực Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Bè, Hàng Bạc, Mã Mây… để kinh doanh và kích thích lòng tự tôn dân tộc, khuyến khích việc tiêu dùng hàng của người Việt Nam, người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Bùi Huy Tùng hiểu và chủ trương việc tuyên truyền tôn trọng, đề cao hoạt động của giới doanh thương thông qua việc cổ vũ, ủng hộ các hoạt động kinh doanh, mở cửa hàng, cửa hiệu… khác hẳn với tư tưởng thời trước và của nhiều người đương thời khi chỉ coi trọng những người thuộc tầng lớp nho sỹ, khoa cử mà coi thường tầng lớp doanh thương (bọn con buôn). Có thể nói đây là một tư tưởng tiến bộ ở thời đó.
1.6– Xây dựng Văn Chỉ Thọ Xương thành một trung tâm văn hoá lớn:
Sau khi Văn Chỉ Thọ Xương được xây dựng (1836) làm nơi thờ phụng, tế lễ. Bùi Huy Tùng với vai trò và trách nhiệm của mình trong Văn Hội Thọ Xương cùng với các Văn thân, sỹ phu đã biến nơi đây thành trung tâm hoạt động văn hóa cùng với đền Ngọc Sơn trở thành 2 trung tâm văn hóa lớn của Thăng Long đầu thế kỷ XIX.
Bằng các hoạt động, Văn Chỉ Thọ Xương trở thành tâm điểm tập hợp xung quanh mình những cơ sở văn hoá, giáo dục hoạt động sôi nổi. Việc khắc chữ, in sách, kinh ở nhà in “Như Nguyệt đường” được duy trì và phát triển hơn, trường học được mở ra để dậy đỗ cho con em nhà nghèo. Tổ chức Giảng đàn, giảng thiện tại Văn Chỉ Thọ Xương và chùa Liên Phái, tổ chức gặp gỡ bàn bạc, trao đổi tình hình sau những buổi tế lễ ở đây. Ẩn sau những hoạt động này chính là những cuộc gặp bàn về đất nước, dân tộc lo lắng đến việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Thăng Long đến thời thế vận mệnh quốc gia. Giữa đền Ngọc Sơn và Văn Chỉ Thọ Xương luôn có sự qua lại, quan hệ chặt chẽ với nhau.
2- Ngoài những hoạt động trên, cũng phải kể đến sự đóng góp về tài sản của Bùi Huy Tùng cho các công trình văn hóa, lịch sử của Thăng Long và làm việc “thiện”. Ông suất của nhà đem làm phúc, đóng góp để xây dựng, tôn tạo tu bổ nhiều công trình như:
2.1- Đình Xã Đàn (Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội)
2.2- Đình xã Đan Thầm (Đan Nê)
2.3- Đình làng Nhuệ Giang
2.4- Đình làng Kim Bài (Thanh Oai, Hà Nội)
2.5- Đình Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội)
2.6- Tiến cúng Phật tượng đình Phất Lộc, huyện Đông Quan, phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định (nay là xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) nhà thờ Đại tôn tại quê hương…
2.7- Đóng góp cho Văn Chỉ huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội 3 mẫu ruộng
2.8- Đóng góp cho Văn Chỉ huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Nội 5 sào ruộng
2.9- Đóng góp tiền của, công sức để cải tạo, xây lại mới to hơn đình Phất Lộc (hay còn gọi là đình Tam Nguyên) ở ngõ Phất Lộc, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
2.10- Tham gia đóng góp tiền của, công sức để cải tạo, xây dựng trung tâm đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm thành trung tâm văn hóa lớn của Thăng Long thời đó.
2.11- Đặc biệt ông đã đóng góp hàng ngàn quan tiền và đất đai với hơn 10 mẫu 2 sào 7 thước ruộng, ao ở địa phận phường Hồng Mai thời Nguyễn (nay thuộc phường Cầu Dền, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho việc xây dựng Văn Chỉ Thọ Xương đồng thời ông lại trực tiếp đứng ra trông coi việc xây dựng cho đến khi hoàn thành.
Những việc thiện và chữ “thiện” đối với Bùi Huy Tùng ở đây không chỉ đơn thuần làm từ thiện mà chính là làm những việc có ích cho đất nước, cho nhân dân. Là việc giáo dục, dậy dỗ những điều tốt, việc tốt cho con người mới là mục đích chính của ông.
3- Đề cập đến vai trò hoạt động của Văn Hội Thọ Xương là không chỉ nói đến vai trò của một tổ chức xã hội tập hợp tầng lớp trí thức, sỹ phu với chủ trương mở rộng, khơi sâu những hoạt động văn hóa giáo dục để rồi từ đó trở thành một phong trào xã hội có tổ chức, có ảnh hưởng to lớn đến đời sống văn hóa xã hội ở Thăng Long khi đó. Mà điều cần nhấn mạnh nhất chính là vai trò của Văn Hội Thọ Xương như vai trò của một phong trào khởi đầu cho các phong trào hoạt động, đấu tranh khác của giới Văn thân sỹ phu ở Hà Thành, Bắc Hà và sau đó là ở trong cả nước. Trong suốt một thế kỷ, dưới mọi hình thức và luôn có mặt trong phong trào đấu tranh chống ách xâm lược của thực dân Pháp và sự nhu nhược của triều đình nhà Nguyễn, tinh thần của Văn Hội Thọ Xương luôn ở trong các vị Sỹ phu.
Với ban đầu là Cao Bá Quát đến Đốc học Lê Đình Diên, Hoàng giáp Thị giảng Học sỹ Nguyễn Tư Giản… cho đến phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của cụ Cử Lương Văn Can rồi phong trào Đông Du, Duy Tân sau này (như đánh giá trong Tham luận của nhà Nghiên cứu văn hóa Vũ Thế Khôi cháu 6 đời của Tiến sỹ Vũ Tông Phan tại Pháp tháng 5/2007 khi nói về vai trò của các ông Đồ, nhà Nho Việt nam trong phong trào văn hóa xã hội).
Với những điều mới nêu một phần ở trên, có thể nói Bùi Huy Tùng là một con người của Thăng Long một người đã giành hết tâm lực, trí lực cũng như thời gian của mình cho công cuộc Chấn hưng văn hoá Thăng Long và phong trào hoạt động của giới Sỹ phu. Đó chính là tấm lòng yêu nước, lo lắng đến sự phát triển của đất nước của người sỹ phu (như đã đề cập trong bài viết của nhà Nghiên cứu văn hoá Vũ Thế Khôi đăng trên tạp chí Xưa và Nay số 30, tháng 8/1996).
Ghi nhận những đóng góp của ông, sau khi mất ông được thờ tại những nơi tham gia đóng góp, ông được phối thờ tại Hậu cung Văn Chỉ Thọ Xương (Ban thờ bên tả bằng gạch nay đã bị phá vỡ cùng ban thờ ở chính giữa và bên hữu). Ông được lưu danh trên bia đá tại Văn Chỉ Thọ Xương trong bài bia Ký của Tiến sỹ Nguyễn Văn Lý. Trên bia đá đình Phất Lộc (đình Tam Nguyên) ở ngõ Phất Lộc do Tiến sỹ Vũ Tông Phan soạn và trên bia đá ở Hậu cung đền Ngọc Sơn, Hoàn Kiếm, Hà Nội…
Với quãng chiều dài hơn 450 năm có mặt, tồn tại và phát triển cùng Thăng Long – Hà Nội dòng họ Bùi Phất Lộc, Thăng Long tự hào là dòng họ cùng với các dòng họ khác đã đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào quá trình lịch sử và phát triển của 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Sự hình thành dòng họ chính là quá trình hình thành ra những cộng đồng người mới. Từ đây, lại dẫn đến các nhu cầu mới của cuộc sống phải có để phù hợp với những cộng đồng này. Yếu tố mới sẽ làm cho các hoạt động đời sống trở nên sôi động, đa dạng và phát triển theo, sản sinh ra các giá trị mà trong đó có giá trị con người, giá trị văn hoá, nghệ thuật, lịch sử, xã hội, địa lý, khoa học kỹ thuật, kiến trúc văn học…Lịch sử tạo ra con người và con người lại làm nên lịch sử. Cả hai yếu tố này luôn tác động qua lại nhau để rồi từ đó viết nên những lớp, những trang lịch sử vẻ vang của chiều dầy “cuốn lịch sử” Thăng Long – Hà Nội.
Mỗi thế hệ người Hà nội, thế hệ của ngày hôm nay hãy biết trân trọng và quý mến những bước hành trình thời gian đã qua cùng những thành quả có được. Yêu mến Thăng Long – Hà Nội, mỗi người chúng ta có những cách thể hiện khác nhau để bày tỏ thái độ, tình cảm tuy nhiên đều cần hướng tới một điểm chung đó là phải giữ gìn phát huy thật tốt truyền thống văn hóa, bản sắc của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội được hun đúc và hình thành từ bao đời trước.
Tìm về cội nguồn, hiểu thêm các giá trị lịch sử, văn hóa về mỗi dòng họ nói riêng, các dòng họ nói chung còn lưu giữ được là việc làm rất cần thiết. Qua đó, chúng ta hãy làm cho nó thêm phong phú và thiết thực hơn, cần truyền bá rộng rãi để mọi người cùng hiểu phát huy các giá trị đó, làm cho thăng hoa hơn là tình cảm, bổn phận và trách nhiệm của mỗi chúng ta với dòng họ, Tổ tiên và đất nước.
Hà Nội ngày 3 tháng 8 năm 2010
Thừa uỷ nhiệm của dòng họ Bùi-Phất Lộc, Thăng Long, Hà Nội
Kính soạn, ghi, viết
các hậu duệ
Bùi Huy Nam, Bùi Ngọc Ánh, Bùi Ngọc Sách
Tài liệu nghiên cứu:
** Các ký hiệu chữ và số bên cạnh các tác phẩm là ký hiệu sách đang lưu giữ tại Viện Hán Nôm.
* Một số chi tiết, đoạn được trích trong các bài: “Bùi Huy Tùng và Văn Hội Thọ Xương”, “Những dấu tích và nghề nghiệp liên quan đến sự hình thành một chi thuộc dòng họ Bùi-Phất lộc ở Thăng Long, Hà Nội” và có bổ sung.
– Gia phả họ Bùi-Phất Lộc, Thăng Long
– Gia phả chi Đinh họ Bùi-Phất Lộc, Thăng Long.
The post Đắp bồi thêm chiều dầy lịch sử, văn hóa và phát triển Thăng Long – Hà Nội appeared first on Họ Bùi Việt Nam.