Bùi gia huấn hài (sách dạy trẻ của gia đình họ Bùi) được Bùi Dương Lịch biên soạn trong thời gian ông dạy học ở Thăng Long (trước năm 1787) Đây là một cuốn sách giáo khoa nhằm dạy cho trẻ em những kiến thức phổ thông cơ bản nhất. Sách dày hơn 400 trang, gồm 3 phần: 2. Phần “Bài học” gồm 2000 câu văn vần, mỗi câu có 4 chữ. 3. Phần “Nguyên chú” của tác giả Bùi gia huấn hài đã thể hiện được học vấn uyên bác của Bùi Dương Lịch – một nhà nho, học giả tương đối nổi tiếng của nước ta cuối thế kỷ 18 và những suy nghĩ sâu sắc mà lại rất khoa học và thiết thực của ông trong vấn đề giáo dục trẻ em. Chính vì vậy mà Bùi gia huấn hài được Phan Huy Chú đánh giá là đã “lược chép được đại yếu các sách tử sử và tính lý, lời gọn, ý rộng” (Phan Huy Chú – Lịch triều hiến chương loại chí). Trong “Lời tựa” mở đầu cuốn sách, tác giả Bùi Dương Lịch đã trình bày rõ lý do, mục đích, nội dung và phương pháp biên soạn Bùi gia huấn hài của ông. Xuất phát từ thực trạng của nền giáo dục nước ta lúc bấy giờ, là một người thày, Bùi Dương Lịch nhận thấy rằng, việc dạy cho trẻ em học thuộc lòng sách Thiên tự do Chu Hưng Tự – một người Trung Quốc thời nhà Lương – biên soạn, là chẳng đem lại lợi ích gì cả (Nguyên văn: Dư thường cư hương, kiến hương nhân gia huấn hài đa dụng Chu Hưng Tự “Thiên tự” thục độc, chung vô sở đắc). Hoặc giả, lại thay bằng các sách như Hiếu kinh, Tiểu học cũng là những cuốn sách giáo khoa do người Trung Quốc biên soạn (Hiếu kinh là sách Khổng tử vì Tăng tử trần thuật đạo hiếu mà làm ra, có 18 chương; Tiểu học tức là sách Tiểu học tập chú của Chu Hi), mà ở các sách này câu đặt dài ngắn không đều nhau khiến cho trẻ em rất khó học. Theo Bùi Dương Lịch, trẻ em tuy có trí nhớ tốt, nhưng hiểu biết còn non kém, nếu sách giáo khoa không có vần thì đọc không thuận miệng mà dễ sinh ra nản lòng, trong sách không giải thích rõ ý nghĩa thì trẻ sẽ hiểu biết lơ mơ mà nhận định không đúng. (Nguyên văn: vị hài hữu ký tính nhi thần thức thượng đoản, bất hạn vi cách luật tắc khẩu vẫn, cát hỗn nhi đãi tâm dị phạm, bất thị chỉ thú tắc tâm trí võng, tượng nhi trì thủ bất chân). Mục đích soạn sách Bùi gia huấn hài của Bùi Dương Lịch là: “tóm tắt những điều cốt yếu, trên từ việc sinh ra trời đất, người vật, tiếp đến thứ tự đế vương, kể rõ sự tích nước Việt ta lúc chia lúc hợp, rồi đến truyền thống về Đạo học, sau cùng đến phương pháp học của trẻ con. Tất cả các kiến thức ấy đều chọn lọc trong lời của các bậc tiên nho đã phát minh và giảng rõ… Đó là muốn thuận theo tính trẻ con mà dạy dỗ, chứ không phải là dạy theo lối tắt”. (Trích từ “Tựa” của Bùi gia huấn hài). Tuy nói là “tất cả các kiến thức ấy đều chọn lọc trong lời của các bậc tiên nho đã phát minh và giảng rõ”, nhưng tác giả Bùi gia huấn hài vẫn có phần đóng góp ý kiến của riêng mình, nhất là từ phương pháp chọn lọc kiến thức của các bậc tiên nho của ông cũng cho chúng ta thấy được khuynh hướng tư tưởng của tác giả. Điều này được thể hiện rõ trong bố cục và nội dung của cuốn sách. Nội dung của cuốn sách Bùi gia huấn hài nằm ở “Bài học” với 2000 câu văn vần, mỗi câu 4 chữ, gồm các phần chính như sau: – Trời Đất: các kiến thức về trời, đất mặt trời, mặt trăng, sao, ánh sáng… ; địa lý hình thể tự nhiên Trung Quốc (các châu, đầm hồ, sông núi, gò đống, khe ngòi, đường đi lối lại, bờ biển… ) – Người, vật: sự hình thành nên người, nguồn gốc và tính chất của các loài vật, cây cỏ (thú, chim, cá cây, đá…). – Lịch sử: lịch sử Trung Quốc (Bắc sử) và lịch sử Việt Nam (Nam sử). – Truyền thống Đạo học: khái niệm về “đạo”, các bậc “thánh nhân” theo quan niệm Nho giáo. – Phương pháp học của trẻ em: từ khi còn nằm trong bụng mẹ (thai giáo) cho đến khi trưởng thành. Bên dưới mỗi phần “Bài học” là phần “Nguyên chú” của tác giả (chiếm số lượng gần 3/4 trong số hơn 400 trang sách). Những kiến thức về tự nhiên trong sách Bùi gia huấn hài đều được rút ra từ Tống Nho mà nguồn gốc là từ Kinh Dịch. Phần “Nguyên chú” của Bùi Dương Lịch thường là dẫn sách của Chu tử (nhiều nhất), Thái cực đồ (Chu Đôn Di), Hoàng cực kinh thế (Triệu Ung), Chính Mông (Trương Tái), Hồ Chí Đường… Thỉnh thoảng cũng có trích từ gốc là: Luận ngữ (Khổng Tử), Linh hiến (Trương Hành), hoặc xa hơn là ở các sách như Hoài Nam tử, Trang tử… Bài học và nguyên chú trong phần này đã chứng tỏ tác giả Bùi Dương Lịch có một vốn học vấn khá là uyên bác. Về lịch sử, tác giả của sách Bùi gia huấn hài có quan điểm chính thống. Trong phần “Bắc sử” (Lịch sử Trung Quốc), ông vẫn giữ quan niệm cho người Hán là dòng giống “Hoa hạ”, còn các tộc người khác đều là “di địch”. Trong phần “Nam sử” (Lịch sử Việt Nam), Bùi Dương Lịch chỉ trích những “hôn quân vô đạo” như Lê Ngoạ triều (nguyên: Ngoạ triều vô đạo, thiên mệnh bất đát); những dòng họ tiếm đoạt ngôi vua, lấn át triều chính như họ Hồ, họ Mạc, họ Trịnh… cũng bị ông lên án. Mặt khác, Bùi Dương Lịch lại đề cao các vị vua xây dựng nên triều đại của mình từ sau những cuộc đấu tranh chống quân xâm lược như hai vị vua: Trưng Vương, Lê Lợi. Đặc biệt, Bùi Dương Lịch rất đề cao lòng tự hào dân tộc, ông không theo bước các nhà chép sử trước kia căn cứ vào lịch sử Trung Quốc để chép về dòng dõi dân tộc chúng ta mà khẳng định dân tộc ta là một dân tộc có nguồn gốc lâu đời, có cương giới và nền văn hiến riêng. Mặc dù, khi làm sách giáo khoa, ông vẫn căn cứ vào sách cũ để chép ra, nhưng ông cũng nói rõ trong phần “nguyên chú” rằng: các nhà làm sử cũ chẳng nhận xét kỹ, chép bừa những sự hão huyền không có bằng cứ đáng tin cậy, nói vu làm nhục nước nhà, tội đó là không thể trốn tránh được. Tôi không có quyền làm sử, cho nên cứ theo sách cũ mà chép ra. Người cầm bút viết sử cần phải bắt đầu từ Việt Thường và để họ Đinh kế tục mới là chính đáng. (Nguyên văn: cựu sử phất trí, vọng tải hoang đản bất kinh chi sự, vu nhục kỳ quốc, tội bất khả hoán, dư vô sử quyền, cố thử thả y cựu, tự chi bỉnh sử bút giả, khởi thuỷ vu Việt Thường thị nhi dĩ Đinh thị kế chi vị chính). Ở phần “Đạo học” và “Phương pháp học của trẻ con” của Bùi gia huấn hài, do tác giả Bùi Dương Lịch chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo nên nội dung hai phần này được trình bày một cách tương đối đầy đủ và bài bản những kiến thức cơ bản ban đầu mà một người học trò dưới chế độ phong kiến cần phải biết đến, đáp ứng đúng mục đích yêu cầu của một cuốn sách giáo khoa dạy cho trẻ con. Trong kho tàng điển tịch văn hoá cổ, “gia huấn” là một di sản văn hoá quý giá của dân tộc ta. Các sách vở thuộc loại này như “gia huấn”, “gia giới”, “gia quy”… là kết tinh của tư tưởng giáo dục trong gia đình của người xưa. Chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, người xưa thường dựa trên quyền uy của quan hệ huyết thống và tình cảm gắn bó trong gia đình để giáo dục thế hệ sau cách “lập thân dương danh”, chính vì vậy mà loại sách “gia huấn” ra đời và phát triển. Các cuốn sách thuộc loại này đều dựa trên cơ sở lý luận của văn hoá Nho giáo, đều hướng tới mục đích là dạy cho thế hệ sau những kiến thức của “đại học chi đạo” là “chính tâm thành ý tu thân trị quốc bình thiên hạ”. Tuy rằng trong mỗi một cuốn sách đều có mang sự hạn chế của thời đại, nhưng ý chí cao xa, tinh thần khắc phục khó khăn để học tập, các phẩm chất đạo đức theo quan niệm truyền thống… mà các cuốn sách đó đề xướng vẫn có một tác dụng giáo dục rất tích cực trong xã hội. Sách Bùi gia huấn hài của Bùi Dương Lịch cũng là một cuốn sách thuộc loại đó. Ngoài những ích lợi thông thường của một cuốn sách giáo khoa dạy cho trẻ em, Bùi gia huấn hài còn có những nét đặc sắc riêng. Về nội dung, sách đã cung cấp cho người học một hệ thống kiến thức văn hoá, khoa học, xã hội và lịch sử ngắn ngọn nhưng tương đối đầy đủ; nó đúng là một cuốn sách giáo khoa của người Việt Nam, mang màu sắc văn hoá Việt Nam và thể hiện tinh thần tự hào dân tộc của người Việt Nam. Về hình thức, với lối biên soạn theo kiểu câu 4 chữ, có vần bằng trắc xen lẫn nhau, sách đã mang đến cho người học (trẻ em) niềm hứng thú học tập vì nó không những dễ học (dễ thuộc) mà còn vì đã giải thích được tương đối cặn kẽ những kiến thức vốn rất khó của sách vở kinh điển Nho giáo, giảm bớt khó khăn cho các “đồ đệ của Khổng tử”. Có thể nói được rằng, sách Bùi gia huấn hài đã thể hiện được ý đồ và mục đích soạn sách của tác giả Bùi Dương Lịch được nêu ở trong phần “Tựa” do chính ông viết ở đầu cuốn sách là: “… muốn thuận theo tính trẻ để mà dạy dỗ, chứ không phải là dạy theo lối tắt…”, và đối với người Việt Nam chúng ta, sách Bùi gia huấn hài có những ưu thế hơn hẳn các cuốn sách giáo khoa do người Trung Quốc biên soạn mà chúng ta vẫn phải mượn dùng để dạy trẻ trước đó cả về nội dung lẫn hình thức. Ngày nay, khi mà toàn xã hội đang chú trọng vào công tác giáo dục trẻ em, để thế hệ trẻ của chúng ta có thể phát triển một cách toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, việc khai thác và kế thừa kinh nghiệm giáo dục của các bậc tiền bối qua sách vở cổ cũng là một công việc đáng được các nhà văn hoá chú tâm. Những kiến thức về vấn đề “Dạy người” được đề cập đến trong các sách giáo khoa cổ như: thai giáo, đa giáo và những tư tưởng như khắc khổ học tập, hiếu thuận phụ mẫu, tôn kính sư trưởng, cần kiệm trì gia, thận trạch bằng hữu, mục lân hữu hảo, dữ nhân vi thiện… cho đến tận ngày hôm nay vẫn còn mang một sức sống mãnh liệt, đáng để chúng ta kế thừa và phát huy trong sự nghiệp giáo dục con người thời hiện đại. Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.166-171 |
NGUYỄN THANH HÀ-Học viện Hán Nôm (Theo Viện nghiên cứu Hán nôm) |