LỄ KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ CỤ BÙI ĐĂNG HÀM
Ở thôn Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên
Bùi Thái Trà My
Ngày 28 và 29 tháng 11/2015, các con cháu trong gia đình cùng đông đảo bà con trong họ, hàng xóm láng giềng và bạn bè thân thiết đã long trọng tổ chức lễ cắt băng khánh nhà thờ cụ Bùi Đăng Hàm.
- Đôi nét về nhà thờ cụ Bùi Đăng Hàm xưa và nay
Trước đây, nhà thờ cụ Bùi Đăng Hàm có 3 gian và 5 gian nhà tế bằng gỗ lim lợp ngói; giữa nhà thờ và nhà tế, có chiếc sân nhỏ, gọi là “sân ô”. Thời bấy giờ, nhà thờ cụ Hàm là nhà thờ to, đẹp và khang trang nhất nhì trong làng.
Năm 1952, giặc Pháp ném bom san phẳng làng Đoàn Đào để lập bốt, nhà thờ cụ Hàm cũng không còn. Di tích ngôi nhà thờ còn để lại đến bây giờ là khu đất bỏ không rộng khoảng 80m2 và cũng từ đó đến nay, gia đình không có nơi thờ cúng các cụ.
Năm 2014, có hai người cháu thuộc đời thứ 12 đã hiến 500m2 đất ao và đất gò của ông bà, bố mẹ để lại, đồng thời công đức hơn 600 triệu để gia đình xây nhà thờ. Ngày 17/10/2014 nhà thờ được khởi công xây dựng và hoàn thành tháng 11/2015.
- Sơ lược gia phả cụ Bùi Đăng Hàm
Cụ Bùi Đăng Hàm thuộc đời thứ 8, ngảnh 2, phái 1, chi 3 thuộc dòng họ Bùi Đăng ở thôn Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Cụ sống cách đây khoảng hơn 150 năm, không ai nhớ năm sinh chỉ biết ngày giỗ cụ là ngày 25 tháng 11 Âm lịch.
Thời phong kiến, cụ Hàm làm Bá Hộ, nên mọi người vẫn gọi cụ là cụ Bá Hàm. Cụ có 2 vợ và sinh được 5 trai, 2 gái. Trong số 5 người con trai của cụ, có người giữ chức Chánh tổng, tổng Hoàng Chanh thời bấy giờ (cụ Chánh Mỹ, con trưởng) và một người con làm Lý trưởng (cụ Lý Lâm). Cụ Hàm có 13 cháu trai nội thuộc đời thứ 10, trong đó phải kể đến hai người cháu Bùi Đăng Quảng và Bùi Đăng Chi.
+ Cụ Bùi Đăng Quảng (cháu trưởng) làm Bá Hộ nên thường gọi là cụ Bá Quảng. Cụ Bá Quảng có 4 người con trai đều tham gia chống Pháp, là Bộ đội chủ lực, trong đó có một người con là Liệt sĩ và một người con là Thương binh. Gia đình cụ Bá Quảng được Nhà nước tặng Bảng vàng Danh dự và Bằng Tổ Quốc ghi công.
+ Cụ Bùi Đăng Chi (1901-1993) làm Lý trưởng nên thường gọi là cụ Lý Chi. Tháng 8/1945, cụ Chi đã mở kho thóc của gia đình để phân phát, giúp đỡ cho người nghèo. Cụ đã ủng hộ Cách mạng hơn 2 vạn tiền Đông Dương; ủng hộ súng ống, đạn dược và cụ đã trực tiếp tham gia cướp chính quyền huyện Phù Cừ. Năm 1946 cụ trúng cử Hội đồng Nhân dân tỉnh Hưng Yên, là Chủ tịch Ủy ban Binh sĩ Mùa đông và được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa 1. Cụ đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và được Nhà nước tặng Bảng vàng Danh dự; Huân chương Kháng chiến hạng Ba và Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba.
Thời phong kiến, cụ Bá Hàm thuộc gia đình “danh gia, vọng tôc”, có uy tín và được người dân trong làng, ngoài xã yêu quí và kính trọng. Cụ ăn ở có tâm, có đức, sống nhân nghĩa và phúc hậu, nên con cháu cụ sau này phát triển đông đúc và thành đạt.
- Sự trưởng thành của các thế hệ con cháu
Cho đến nay, cụ Bá Hàm có tới 400 cháu nội và dâu, rể (không tính cháu ngoại) đang sống ở quê hương, đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước, phục vụ trong Quân đội và Lực lượng Công an Nhân dân. Cụ có nhiều cháu đã tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong đó có 4 Liệt sĩ, Thương binh 3 và Bệnh binh có 2.
– Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phong quân hàm Đại tá 1; Thượng tá 3, Trung tá 4, thiếu tá 3 và nhiều Sĩ quan từ Thiếu úy đến Đại úy.
– Có hơn 60 cháu nội và dâu, rể có trình độ Đại học, trong đó Tiến sĩ 1; Thạc sĩ 5 và có 5 cháu là Giảng viên Đại học.
– Ông Bùi Quốc Dịnh có 7 người con và dâu, rể đều là Đại học (trong đó người con trai có 3 bằng Đại học và 2 bằng Thạc sĩ). Gia đình ông Bùi Quang Tuyển có 6 người đều có bằng Đại học (trong đó Phó Giáo sư-Tiến sĩ 1, Thạc sĩ 3; 2 bằng Đại học 1; 4 Giảng viên Đại học). Có 5 gia đình có từ 4 đến 5 người Đại học (ông Cường, ông Phước, ông Đức, ông Quốc Anh và ông Thế). Có 4 gia đình có từ 2 đến 3 người Đại học (ông Quân, ông Đáp, ông Bùi Xuân Thành, ông Giỏi) và rất nhiều gia đình có 1 con Đại học.
– Cháu Bùi Quang Dũng (đời thứ 13) đạt giải nhất môn Vật lý lớp 12 trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh Hà Tây (1996); đạt giải nhất, giải Vifotec do Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức (2003); là Thiếu tá QĐND, Thạc sĩ, Bác sĩ, Giảng viên Học viện Quân Y.
– Cháu Bùi Thị Hồng Nhung (đời thứ 13), đạt 2 giải nhì môn Văn năm lớp 10, lớp 11 và đạt giải nhất môn Văn lớp 12 (2001) trong các kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh Hà Tây cũ; tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ loại giỏi và bảo vệ xuất sắc luận án Thạc sĩ tại Thụy Điển; hiện cháu Nhung là Giảng viên tiếng Anh Học viện Kỹ thuật Quân sự.
– Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công cho ông Tình, ông Minh. Ông Bùi Quốc Võ 6 lần được tuyên dương Dũng sĩ diệt Mỹ, Huy hiệu Bác Hồ, Huân chương Giải phóng hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Ông Tuyển được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, Huân chương Chiến công hạng Nhất và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Được tặng Huy hiệu 60 năm, 50, 40 năm tuổi Đảng cho ông Tình; ông Ngọc Thanh; ông Tấn; ông Tuyển…
Nhà thờ cụ Hàm được xây mới ngay trên mảnh đất của tổ tiên để lại, là nơi để con cháu xa gần về xum họp đông vui, quây quần bên nhau nhân ngày giỗ, ngày tết, ngày thanh minh hàng năm và những ngày lễ hội khác.
Nhà thờ còn là nơi giáo dục con cháu về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, luôn hướng về tổ tiên, gìn giữ những giá trị tốt đẹp mà tổ tiên để lại. Các thế hệ con cháu phải ra sức phấn đấu, học tập thật giỏi và công tác thật tốt để trở thành người có ích cho xã hội, làm rạng rỡ tổ tiên và gia đình.
Nhà thờ là món quà tinh thần vô giá, là lòng tri ân của các thế hệ con cháu đối với tổ tiên, những người đã sinh ra ông bà, bố mẹ mình. Các con cháu trong gia đình luôn ghi nhớ câu thơ:
Tổ tiên công đức cao dày
Cháu con ghi tạc lòng này biết ơn!
Có câu “uống nước nhớ nguồn”
Tổ tiên là gốc, là nguồn suối trong
Ai mà không nhớ tổ tông
Sau này con cháu sẽ không nhớ mình.
The post LỄ KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ CỤ BÙI ĐĂNG HÀM appeared first on Họ Bùi Việt Nam.