Sau năm 1471, nước Đại Việt dưới sự lãnh đạo của Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã giữ vững một vùng lãnh thổ phía Nam chạy dài từ Hoành Sơn vào tới Phú Yên. Ranh giới phía Nam của Xứ Quảng Nam do vua Lê Thánh Tông lựa chọn lúc bấy giờ là núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) với lời răn dạy hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành rằng: “Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong, An Nam quá thử, tướng tru binh chiết”, (nghĩa là Chiêm Thành qua đây, quân thua nước mất, An Nam qua đây, tướng chết quân tan).1
1. Thời gian vinh quang:
Khi vua Lê Thánh Tông chiếm xong Trà Bàn, kinh đô của Chiêm Thành năm 1471, một tướng Chiêm là Bồ Trì Trì chạy thoát, đem tàn quân vào Phan Lung, tức Phan Rang ngày nay, tự xưng làm vua, giữ được hơn 1/5 đất cũ của Chiêm Thành, sai người đến xin xưng thần và nạp cống. Vua Thánh Tông chấp nhận và nhân đó chia đất còn lại của Chiêm Thành làm 3 tiểu quốc: Chiêm Thành là vùng đất từ núi Đá Bia trở về Nam, dành cho Bồ Trì Trì; Nam Bàn là vùng đất từ núi Đá Bia trở về phía Tây, vùng cao nguyên, phong cho dòng dõi vua cũ của Chiêm Thành còn sót lại; Hoà Anh là tiểu quốc làm vùng đệm giữa Đại Việt và Chiêm Thành, có trên danh nghĩa, nhưng trên thực tế đã suy tàn và biến mất trước sức bành trướng của di dân Việt trên đường Nam tiến từ sau năm 1471.
Nhà hậu Lê (1428-1533), bắt đầu với triều đại vua Lê Lợi tức Lê Thái Tổ (1428 -1433), nhưng thịnh trị nhất là 38 năm dưới triều đại vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Đây là một vị vua được nhiều sử gia ca tụng là thông minh, ở với bề tôi có tình nghĩa, chăm lo sửa sang chính trị, kinh tế, văn học, võ bị, ngoại giao. Dù bị đánh bại và bị chiếm đất, Chiêm Thành và Ai Lao đều phải thần phục và kính nể. Riêng đối với Trung Hoa, sau chiến thắng quyết định của Lê Lợi đối với quân Minh, theo lệ nước nhỏ phải xưng thần, nhưng vua Lê Thánh Tông vẫn giữ một thái độ cứng rắn, đề phòng mọi sự dòm ngó của nước khổng lồ phương Bắc. Chính vua Lê Thánh Thông đã ra huấn thị rõ ràng với triều thần rằng; ‘Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của vua Thái Tổ để lại”.2 đảm đủ số lương cho quân binh và gạo phải là hạng tốt để có thể sử dụng tối thiểu trong hạn kỳ là 10 năm. Trước ngày đại quân vào đất Chiêm đầu năm 1471, nhà vua ra lệnh cho toàn trấn Thuận Hoá phải tập trận quân sĩ cả trên bộ lẫn trên biển.
Trong chiếu Bình Chiêm Sách nhà vua nêu rõ 10 lẽ tất thắng cũng như 3 điều đáng lo, để vừa động viên quân sĩ vừa răn dạy họ nghiêm chỉnh thi hành trong chiến dịch bình Chiêm…Để củng cố phần đất phía nam, nhà vua với hàng vạn quân binh phải vất vả trong hơn 5 tháng trời mới phá được kinh đô Trà Bàn, bắt sống được Trà Toàn. Đến khi kết thúc cuộc chiến, vua tự mình viết bài chiếu, sai quan mang về kinh đô báo tin thắng trận. Khải hoàn trở về Thăng Long, việc đầu tiên là làm lễ dâng tù ở Thái miếu, đem thủ cấp vua Chiêm [Trà Toàn chết trên đường triệu dẫn ra Thăng Long, nên phải cắt lấy đầu, thiêu xác] và số tai giặc bắt được, tấu cáo ở miếu Lam Kinh [Thanh Hoá] và ngày mồng 1 tháng 5 năm tân mão (1471) mới tổ chức lễ mừng. Vùng đất của Chiêm Thành vừa chiếm được, nhà vua đặt làm Thừa tuyên thứ 13, gọi tên là Thừa Tuyên Quảng Nam. 3
Nói về vua Lê Thánh Tông, sử gia Vũ Quỳnh viết: “Vua tư trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài, đại lược, võ giỏi văn hay mà cái học của thánh hiền lại đặc biệt siêng năng, tay không lúc nào rời quyển sách. Các tập kinh, sử, các sách lịch, toán, những việc thánh thần, không có gì không bao quát tinh thông…Vua lại nghĩ giặc Chiêm đời đời vẫn là mối lo của ta, ngày nay không diệt đi, sau nầy làm gì được nó. Thế là phía nam thì đánh Trà Toàn mà lấy lại bờ cõi, phía tây thì đánh Nhã Lan mà quét sạch sào huyệt nó. Đánh Sơn Man mà uy danh vang dội phương bắc, đánh Bồn Man mà đất đai mở rộng phía tây. Qui mô xếp đặt, công nghiệp trung hưng, có thể sánh vai với Thiều Khang nhà Hạ, nối gót được Tuyên Vượng nhà Chu…” 4
Sau này sử gia Trần Trọng Kim cũng ghi nhận, ba mươi tám năm cai trị Đại Việt của vua Lê Thánh Tông là thời gian “mở thêm bờ cõi, khiến cho nước Nam ta bấy giờ được văn minh thêm ra và lại lừng lẩy một phương, kể từ xưa đến nay chưa bao giờ cường thịnh như vậy” 5
Thành tích của vua Lê Thánh Tông là bằng chứng hùng hồn của người lãnh đạo biết yêu nước thương dân. Nhưng trên vinh quang của những thành tích ấy, chỉ trong vòng 30 năm sau ngày vua Lê Thánh Tông băng hà, nhà hậu Lê đã thoái hoá. Thời điểm suy trầm nhất của nhà hậu Lê bắt đầu từ Lê Uy Mục (1505-1509), từ đó dẫn đến việc Mạc Đăng Dung cướp ngôi của Lê Cung Hoàng năm 1527 là chuyện không thể tránh khỏi được.
Biến cố này là một cuộc khủng hoảng chính trị lớn đối với nhà hậu Lê, nhưng có lẽ không lớn lắm so với khoảng trống quyền lực sau năm 1527. Nhìn tình huống chính trị xã hội lúc bấy giờ, Đại Việt thực sự đã bị phân hoá thành nhiều mảnh, với nhiều thế lực mập mờ khác nhau, và hầu như đã có nhiều động thái phản loạn, khi cả nhà Lê và cả họ Mạc chưa ai thực sư nắm được quyền hành. Mười lăm năm (1527-1542), nhà nước không chính phủ, xã hội không lãnh đạo. Đại Việt đứng trước nguy cơ tái diễn phân liệt sứ quân, nếu nhóm trung thần, sĩ tử ở Tây Đô lúc bấy giờ không quyết tâm can thiệp và bắt tay hành động kịp thời.
Mùa thu, tháng 8 năm tân sửu, 1541, Mạc Đăng Dung chết. Cái tước Đô Thống Sứ mà Mạc Đăng Dung năn nỉ triều Minh ròng rã 15 năm mới về đến nơi, khi ông và con trai của ông là Mạc Đăng Doanh không còn. Người được mang tước Đô Thống Sứ là Mạc Phúc Hải, cháu nội của ông. Nhưng dù là ai, khi nhận được tin nhà Minh thuận phong cho họ Mạc chức danh Đô Thống sứ và đổi quốc hiệu Đại Việt thành Đô Thống Sứ Ty, thì nhóm chờ thời chạy theo họ Mạc đã phất cờ ăn mừng chiến thắng. Nhưng thực tế, họ Mạc chưa có thì giờ rải quân sau năm 1527, và chắc chắn không có khả năng đem quân vào rải khắp vùng Thuận Hoá và Quảng Nam, nhưng qua một đêm thức dậy, ngày 15 tháng 12 năm nhâm dần (1542) 6 , Thuận Hoá và Quảng Nam tưởng chừng như đã thành đất và người của họ Mạc. Thì ra cái chiếu chỉ của triều Minh tấn phong cho họ Mạc đã biến thành phép mầu.
.Vào thời điểm nầy, cần nhớ lại tính liên tục lịch sử về chính trị và hành chánh do vua Lê Thánh Tông qui định. Như trên đã thấy, vua Lê Thánh Tông đã thống nhất Đại Việt bằng văn kiện thiết lập 13 đơn vị hành chánh, mà cách gọi tên tuy có khác nhau nhưng vẫn thống nhất trong toàn lãnh thổ.
Năm kỷ sửu,1469, nhà vua cho quy định lại bản đố phủ, châu, huyện, xã, trang, sách thuộc 12 thừa tuyên. Như vậy Thừa Tuyên thời vua Lê Thánh Tông là tên gọi một đơn vị hành chánh ngang hàng với tỉnh. Thí dụ Thừa tuyên Quảng Nam tức ngang [theo cách gọi] với Tỉnh Quảng Nam ngày nay. Tháng 6 năm tân mão, 1471, xác nhận lại một lần nữa Đại Việt có 12 Thừa Tuyên, nhân đó, vua Lê Thánh Tông lấy đất Chiêm Thành vừa chiếm được lập thêm một thừa tuyên thứ 13, gọi là Thừa tuyên Quảng Nam7 Rồi tháng 8 cùng năm, đổi Thừa Tuyên thành Đạo [chẳng hạn, đạo Thuận Hoá]. Cuối cùng vào tháng 6 năm quý tỵ, 1473, một lần nữa vua Lê Thánh Tông đổi Đạo thành Xứ [Phan Khoang nói là năm Hồng Đức thứ 21, 1490).
Chỉ danh mười ba (13) Xứ như sau: Thanh Hoá, Nghệ An, Thuận Hoá, Thiên Trường (Nam Định), Nam Sách (Hải Dương), Quốc Oai (Sơn Tây), Bắc Giang (Bắc Ninh), An Bang (Quảng Yên), Hưng Hoá, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Nam.
Nhắc lại 13 đơn vị hành chánh nói trên, liên tục có hiệu lực từ năm 1471 đến năm 1542. Trong thời gian hơn 70 năm ấy, dưới triều đại nhà hậu Lê, trên thực tế, lãnh thổ Đại Việt chưa hề mất một phần đất nào cả, dù ngôi báu vua Lê đã bị Mạc Đăng Dung cướp mất năm 1527. Nhưng hành động thô bạo của Mạc Đăng Dung là chuyện nội bộ của Đại Việt, nay nhà Minh nhân danh là nước lớn, đã trưng thu Đại Việt và giao cho họ Mạc qua văn kiện chấp nhận họ Mạc giữ chức Đô Thống Sứ [trật tòng nhị phẩm, có ấn bạc và được quyền thế tập] để cai tri Đại Việt dưới danh xưng An Nam Đô Thống Sứ Ty, như một quận huyện của Trung Hoa.
Sự kiện xâm lược tinh vi này quả là phù hợp với điều mà Mạc Đăng Dung đã khẩn khoản van xin, đến nỗi dốc cạn chén khổ nhục, “tự hạ mình như con lợn trong chuồng, ” rồi “ tự trói mà ra ngoài cõi, đến doanh đại tướng [Mao Bá Ôn] cúi đầu tỏ lòng trung xin hàng: Còn như đất đai và nhân dân thì đều là của thiên triều, chỉ xin thề lòng dân rợ, để được tiện sự khu xử. Cho thần được nội thuộc xưng phiên, hằng năm lĩnh lịch nhất thống để ban bố cho trong nước đều theo chính sóc, thực là đại phúc cho thần…”8
Nói về thái độ lạ lùng của Mạc Đăng Dung, một sử gia đương thời đã viết: “Xưa nay, đứng trước thế mạnh, kẻ yếu vẫn có thể có nhiều thái độ. Mạc Đăng Dung đã là điển hình cho thái độ đốn mạt nhất. Tiếc thay, thái độ đốn mạt này lại là của một kẻ đang đứng đầu giang sơn Đại Việt”9.
2. Cuộc hành quân tái chiếm Quảng Nam năm 1545.
Có lẽ do sư ngạo mạn của nhà Minh, họ Mạc đành chịu nhục để hưởng lợi lộc, nhưng tập thể lớp tôi trung của nhà Lê không thể khiếp nhược đến độ phải cúi đầu khuất phục. Dân tộc Đại Việt chưa quên một nghìn năm chịu ách đô hộ của Trung Hoa và dân tộc Đại Việt không bao giờ quên ơn cứu nạn, giải thoát ách thống trị của vua Lê Thái Tổ, chưa đánh mất hào quang sáng ngời của vua Lê Thánh Tông. Bởi đó mới có phong trào trung hưng của Nguyễn Kim khởi xướng ở Tây Đô từ năm 1529, mới có cuộc hành quân của Bắc quân Đô Đốc Bùi Tá Hán, xuất phát từ cửa Hội Thống năm 1545. Đây chính là lực lượng nghĩa quân nòng cốt của thời trung hưng.
a. Tiến chiếm dinh trấn thủ Quảng Nam:
Mục tiêu đầu tiên là nửa phần đất phía nam Xứ Quảng Nam, từ Bình Sơn vào tới Đức Phổ và cả hai huyện Tư Nghĩa và Hoài Nhơn của tỉnh Bình Định ngày nay. Theo sách Phủ Tập Quảng Nam Ký Sự của Mai Đinh Dũng, cuộc hành quân của Bắc quân Đô Đốc Bùi Tá Hán tái chiếm Quảng Nam diễn tiến như sau:
“Ngày mồng 2 tháng 6 năm ất tỵ (1545), xuất quân từ cửa biển Hội Thống [cửa Hội, của sông Lam ở Nghệ An], theo đường biển đi vào Nam, đến cù lao Ré [đảo Lý Sơn] thì nghỉ lại. Sau đó lại diễn tập chiến trận, hành quân thích hợp với chiến trường mới lạ mà Bắc quân chưa quen. Kế đó, giả làm đoàn người di cư, lén đổ bộ lên bờ, bí mật tìm vào các đồn điền quân đội để vận động khởi nghĩa Cần Vương, bỏ nhà Mạc về với nhà Lê. Lại cho hai viên kiện tướng vào ẩn trong thành, chờ cơ hội thuận tiện mà hành động. Lại ngầm cho đoàn thám báo đổ bộ lên bờ để liên lạc với những người giả di cư, nắm tình hình và thu lượm tin tức, vẽ sơ đồ hành quân tác chiến”.
“Không đầy nửa tháng, được tin quân đội ở các đồn điền đều hưởng ứng, trong đó, quan trọng nhất là những viên quan ở huyện Mộ Hoa [Mộ Đức] và quân đội thuộc các đồn điền Văn Bân, Năng An, Long Phụng đều nguyện làm lực lượng đi đầu. Ông Bùi [Tá Hán] lập tức phái nhân viên đến tìm gặp gìao ước. Do đó ông Bùi quyết định cho đại quân lén đổ bộ lên bãi biển Núi Đất, ngầm ém quân vào các đồn điền Văn Bân, Năng An, Long Phụng. Ông liền tiến theo sau. Ngày 7 tháng 8, các đồn điền Phú Ninh, Liên Chiểu, Tài Lương đều dựng cờ khởi nghĩa, còn các đồn điền gần trấn thành thì vẫn an nhiên không động đậy”.
“Ngày 8 tháng 8 , ông hạ lệnh: 1. Điều một đội quân từ hậu cứ hải đảo vào cửa biển Sơn Trà, đổ bộ lên bờ, chia làm 2 chi, một chi phối hợp với quân đội ở đồn điền Phú Ninh, chốt giữ bến đò Bến Ván, một chi phối hợp với quân binh đồn điền Tân Phước, dùng sức mạnh đánh chiếm huyện lỵ Bình Sơn, chốt giữ bến đò Châu Ổ. 2. Điều một đội quân từ hậu cứ hải đảo tiến thẳng vào cửa biển Cổ Lũy, chia làm 2 chi: một chi dùng thuyền lớn ngược dòng sông Vệ đi lên đến Hà Khê, chốt giữ khoảng 2 hải lý đường thủy; chi nầy được phép cho 100 quân lên bờ, dọc theo hữu ngạn sông Trà Khúc, từ Cổ Lũy đến Ba La, rải ra thành 10 nhóm, dùng đèn đuốc và đánh trống để thanh viện. Một chi nữa dùng thuyền nhẹ đi ngược dòng Trà Khúc lên đến Bắc trấn thành, mai phục ở dòng sông. Chi nầy cũng được phép cho 100 quân đổ bộ chốt giữ bến đò Quán Cơm, dúng đèn đuốc và đánh trống để thanh viện và liên lạc với quân binh chốt giữ bến Châu Ổ. 3. Điều quân đội các đồn Vạn Phước và Thi Phổ chốt giữ bến đò sông Thoa. 4. Điều quân đội đồn điền Bồ Đề chốt giữ bến đò sông Vệ. 5. Điều quân đội đồn điền Văn Ban đến núi Vom, chọn chỗ cao đóng quân, quan sát tình hình, chuẩn bị tiếp ứng cho quân đội ở bến đò sông Thoa và sông Vệ. 6. Điều quân đội ở hai đồn điền Năng An và Long Phụng làm tả hữu hai mũi tiên phong kiêm hướng đạo, đại quân sẽ nối gót theo sau, lén qua sông Vệ (sông Vệ lúc nầy nhiều chỗ khô cạn) theo đường đồng ruộng, ngậm tăm mà đi đến phía đông nam núi Bút thì dừng lại để tập kết.”
“Hạn đến giờ tuất, các đạo quân đều phải chiếm lĩnh xong trận địa để thực hiện xong trách nhiệm của mình. Nếu gặp quân ngụy tiếp ứng, thì trước hết hãy chiêu an chúng, Nếu chúng kháng cự thì cứ tiêu diệt sạch. Nếu gặp quân thám báo của ngụy thì bắt gọn không để chạy thoát, tất cả thuyền quan độ đều phải nhận chìm.”
“Tại chỗ đại quân tập kết, điểm danh và phổ biến ám hiệu xong, lại chia làm hai đạo: Một đạo bí mật đến mai phục ở phía nam và phía tây Trấn thành; một đạo bí mật đến mai phục ở phía đông Trấn thành”.
“Cuối giờ hợi đầu giờ tý, súng ở đại thuyền khai hỏa. Dọc theo sông Vệ, từ Cổ Lũy đến Hà Khê đèn đuốc và trống trận nhất tề nổi lên. Từ Cổ Lũy đến Ba La và Quán Cơm, nơi bộ binh chốt giữ, dùng đèn đuốc và trống trận đồng loại tiếp ứng.”
“Tiếp đó, phục binh ở ngoài vừa đánh trống vừa la ó từ từ áp sát vào thành. Lại sai quân tiên phong ở các đồn điền Năng An, Long Phụng đốt đuốc, trương cờ kêu gọi quân binh trong thành quay giáo qui thuận. Đến cuối giờ sửu đầu giờ dần, bắn thư vào trong thành kêu gọi đầu hàng.”
Trời sáng rõ, viên Trấn thủ cùng với Đốc quân (ngụy Mạc) tự trói mình, bưng ấn kiếm mở cửa đông, đi bằng đầu gối đến trước quân bái nạp. Đồng thời ở phía sau cửa tây có hai viên tướng nội ứng chặt khóa mở cửa bắc. Quân ta ào ào kéo vào. Tướng nội ứng lại chỉ huy tước vũ khí quân địch trong thành, chiếm cứ các dinh thự và các kho vũ khí, lương thực.”
“Ngày mồng chin, tại hành dinh dã chiến, Bùi Đô Đốc điều hành việc thu quân đồn trú và phòng ngự, đồng thời gọi hết hải quân vào đồn trú tại cửa biển Cổ Lũy, còn hậu cứ hải đảo chỉ để lại một bộ phận nhỏ làm lực lượng phòng ngự tiền đồn”…
“Phái hai viên tướng hiệu, mỗi viên lãnh một đạo quân mang đầy đủ vũ khí, có quan viên trấn thủ đi theo. Một đạo thẳng đến các phủ huyện Thăng Hoa, một đạo thẳng đến các phủ huyện Tư Nghĩa,Hoài Nhơn tiếp nhận số quân qui thuận, vổ về quân dân, đồng thời tuyên bố cho quan viên cùng nha lại các phủ huyện vẫn được giữ nguyên chức vụ, xử lý công việc, trong khi chờ lệnh mới.”10.
Bắc quân Đô Đốc Bùi Tá Hán hoàn thành cuộc hành quân tái chiếm Quảng Nam trong 2 tháng 8 ngày, tính cả thời gian vượt biển từ cửa Hội Thống vào Cù lao Ré, rồi dưỡng quân, tập trận, lên kế hoạch hành quân, trước khi đổ bộ lên đất liền. Cuộc chiến chỉ xảy ra trong 4 ngày. Lực lượng nghĩa quân Tây Đô dưới sự chỉ huy chặt chẽ của Bắc quân Đô Đốc Bùi Tá Hán, ngay từ phút đầu tiên đã hoàn toàn làm chủ chìến trường cho đến lúc chiếm toàn bộ Trấn thành Quảng Nam trong tay ngụy quân họ Mạc ngày mồng mười tháng 8 năm ất tỵ, tức ngày 11 tháng 9 năm 1545.
b. Chánh Mông, dinh trấn thủ Quảng Nam:
Qua cuộc hành quân của Đô Đốc Bùi Tá Hán, có hai sự kiện lịch sử được sáng tỏ, đó là dinh Trấn thủ Quảng Nam đã được thiết lập trên đất của Xứ Quảng Nam từ năm 1471, và địa điểm cựu dinh Trấn thủ Quảng Nam được xây dựng tại thôn Chánh Lộ [cũng gọi là Chánh Mông], bên hữu ngạn sông Trà Khúc thuộc huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi ngày nay.
Bằng chứng cho thấy: “Ngày mồng mười [tháng 8 năm ất tỵ, tức ngày 11 tháng 9 năm 1545] Bùi Đô Đốc vào thành, trước hết đến hành tại bái mệnh, sau đó lên công đường điều hành công việc…Phái tham quân và Hướng đạo sứ theo đường biển trở về triều đình báo tin thắng trận.”
“Nguyên Hoà năm thứ 14 (1546), tháng giêng, triều đình [vua Lê Trang Tông] đặc phái sứ thần đi theo tham quân và Hướng đạo sứ vào dinh Quảng Nam, tuyên đọc sắc chỉ, phong ông Bùi làm Đô tướng dinh Quảng Nam, lưu lại trấn nhậm ở đây và ban thưởng cho ông tiền bạc, gấm lụa.” 11.
Như vậy, dưới thời nhà Lê trung hưng (1533- 1788), Bùi Tá Hán là vị trấn thủ tiên khởi của xứ Quảng Nam từ năm 1546 cho đến khi ông qua đời năm1568. Người kế nhiệm là Nguyên Quận Công Nguyễn Bá Quýnh, tại chức trấn thủ được 2 năm, thì Xứ Quảng Nam được chuyển giao cho Nguyễn Hoàng năm 1570. Người tạm thời thay Nguyễn Hoàng đảm nhận vai trò trấn thủ Quảng Nam là Mai Đình Dũng cho đến khi con trai thứ 6 của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên được chính thức giữ chức trấn thủ Quảng Nam năm 1602. Cùng năm đó, Nguyễn Hoàng cho xây dinh trấn thủ tại xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên. Trước khi có dinh Cần Húc, tất cả các vị trấn thủ sau Bùi Tá Hán đều đóng tại dinh Chánh Lộ, xã Cẩm Thành, huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi ngày nay.
Có một chi tiết khá hy hữu về dinh Chánh Lộ, đó là bình đồ thiết kế dinh Trấn thủ Quảng Nam chỉ trổ có 3 cửa: đông, tây và bắc, không có cửa nam. Mai Đình Dũng khi tường thuật lúc chiếm thành có nói rõ: “Viên Trấn thủ cùng với Đốc quân (ngụy Mạc) tự trói mình, bưng ấn kiếm mở cửa đông, đi bằng đầu gối đến trước quân bái nạp. Đồng thời ở phía sau cửa tây có hai viên tướng nội ứng chặt khoá mở cửa bắc. Quân ta ào ào kéo vào” 12. Sách Đai Nam Nhất Thống Chí, Tập ll, quyển Vlll, tỉnh Quảng Ngãi, mục thành trì cũng ghi nhận: “Thành tỉnh Quảng Ngãi: chu vi 200 trượng 2 thước linh, cao một trượng, 3 cửa, hào rộng 5 trượng, sâu 1 trượng, ở địa phận xã Chánh Mông, huyện Chương Nghĩa” 13 . Cũng vậy, sách Non Nước Xứ Quảng của Phạm Trung Việt, ở mục Di Tích Lịch Sử cho biết: “Tỉnh Thành: ở tại xã Chánh Lộ, huyện Chương Nghĩa (nguyên xưa gọi xã Chánh Mông, niên hiệu Đồng Khánh đổi lại tên Chánh Lộ, hiện là Cẩm Thành) chu vi 200m 8 tấc( xưa 500 trượng 2 thước lẻ), bề cao 4m, có 3 cửa ( không có cửa nam ), bốn phía hào rộng 20m”14..
Chi tiết đặc biệt vừa thấy, chứng tỏ rằng dinh Chánh Mông chính là dinh trấn thủ của xứ Quảng Nam. Lúc mới thành lập Thừa Tuyên Quảng Nam, có lẽ vua Lê Thánh Tông đã chọn Chánh Mông như một tâm điểm trên chiều dài Điện Bàn – Đá Bia. Nhưng dù Chánh Mông là trấn lỵ do tình cờ hay do lựa chọn, thì tuổi thọ của Chánh Mông cũng dã kéo dài được 131 năm. Và Chánh Mông chính là trung tâm chính trị, văn hoá quan trọng của Quảng Nam cuối thế kỷ XV và suốt thế kỷ XVl trong quá trình lịch sử Nam tiến của Đại Việt.
3. Quảng Nam đi trước Thuận Hoá:
Mười hai năm sau khi Quảng Nam đã được bình định, tháng 10 năm mậu ngọ 1558, Thuận Hoá mới có vị Trấn thủ được chỉ định của Tây Đô vào trị nhậm. Vị Trấn thủ đó là Nguyễn Hoàng. Nhưng có một điều cần được xem xét lại, hình như ở Thuận Hoá có hai khoảng trống thuộc về tổ chức và quản trị hành chánh ?
a. Khoảng trống nhân sự
Không ai rõ Tống Phước Trị đến Thuận Hoá lúc nào, và tại sao khi Nguyễn Hoàng vừa tới Ái Tử, thì Tống Phước Trị đã mau chóng đem sổ sách binh dân, bản đồ đến dâng nạp. Sách Việt Sử Thông Giám Cương Mục viết: “Trịnh Kiểm dâng biểu nói với vua Lê rằng: Thuận Hoá là nơi có hình thế đẹp. Để làm nên sự nghiệp lớn, bản triều lúc mới khai quốc, phải nhờ vào sự đóng góp quân lính và tiền tài của Thuận Hoá. Có điều là Thuận Hoá bị giặc Mạc chiếm cứ đã lâu, [ lòng người còn phản trắc: phần nhiều vượt biển đi theo Mạc, hoặc nhân dịp đưa giặc đến quấy ở phía sau ta. Đó là điều rất đáng lo ngại. Vậy nếu không được tay lương tướng vào đấy trấn giữ vỗ về thì không xong. Đoan Quận công [Nguyễn Hoàng] là con nhà tướng, có tài năng và mưu lược, nay nên ra lệnh cho hắn vào trấn áp đất ấy, gây thế ỷ dốc với Trấn Quận công Bùi Tá Hán ở Quảng Nam , ngõ hầu không có cái lo phải đoái đến miền Nam”.15
Sau 25 năm trung hưng, triều đình nhà Lê đã cắt đặt quan chức khắp các vùng từ Thanh Hoá trở vào, dầu vậy, bấy giờ từ Đèo Ngang vào phía nam, tình hình còn xôi đậu, giữa nhà Lê và họ Mạc, nhất là ở Thuận Hoá. Tống Phước Trị nếu đã có mặt ở đây, thì việc trị an xem ra chưa có gì ổn định, nghĩa là chưa có thành tích gì đáng kể. Bởi vậy Trịnh Kiểm không đả động đến Tống Phước Trị mà chỉ nhắc đến Bùi Tá Hán. Điều đó ngầm nhắc cho Nguyễn Hoàng phải liệu mà làm cho Thuận Hoá vững vàng như Bùi Tá Hán đã làm được ở Quảng Nam.
Từ năm 1558 cho đến khi Nguyễn Hoàng đi tham quan miền Nam, qua đèo Hải Vãn năm 1602, để thấy một Quảng Nam xinh đẹp và trù phú, rồi “xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng chứa lương thực, sai hoàng tử thứ 6 trấn giữ” 16. Cũng vào năm này, Nguyễn Hoàng cho đổi Xứ thành Dinh, tách huyện Điện Bàn trước thuộc phủ Triệu Phong, Xứ Thuận Hoá, nay sát nhập huyện Điện Bàn vào Dinh Quảng Nam. Như vậy từ sau năm 1602, Dinh Quảng Nam có lãnh thổ trải dài từ phía nam đèo Hải Vân vào tới Đèo Cả thuộc Dinh Phú Yên.
Cho đến thời điểm này (1602), rõ ràng Quảng Nam đã tiên phong đạt nhiều thành tích về nội trị, ngoại giao, kinh tế…làm mẫu mực cho Thuận Hoá được ổn định để phát triển và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Nguyễn Hoàng đã có thời gian 10 năm (1558-1568) cùng với Bùi Tá Hán tạo thế ỷ dốc để cùng nhau phát triển hai xứ Thuận Quảng, như vua Lê và Trịnh Kiểm mong muốn.
Kể từ sau năm 1558, không thấy chỗ nào nhắc đến Tống Phước Trị, khi Thuận Hoá đã được ổn định dưới thời Trấn thủ Nguyễn Hoàng (1558-1613), kể cả chính sử của triều Nguyễn lẫn triều Lê trung hưng? Có phải đây là một thiếu sót thuộc về các sử quan về chăng?
b. Khoảng trống nội trị:
Sau cuộc chiến thăm dò năm 1627 không thành công, tháng 4 năm kỷ tỵ (1629), Thanh vương Trịnh Tráng lại muốn kéo đại binh đi đánh miền Nam. Bầy tôi là Nguyễn Danh Thế trình rằng: “Nay phương Nam vua tôi hoà mục, nước giàu binh mạnh, mà ta thì liền năm đói kém, quân nhu không đủ. Chi bằng sai sứ vào tiến phong cho Thụy Quận công [Nguyễn Phúc Nguyên] tước Quốc công, ủy cho trấn thủ hai xứ, lại khiến đem quân ra đánh Cao Bằng; nếu vâng mạng mà đến thì ta lấy rất dễ, nếu không vâng mạng thì ta đem quân đi đánh là có danh nghĩa”.
“Trịnh Tráng nghe theo, sai Lại Bộ Thượng thư Nguyễn Khắc Minh đem sắc vào tấn phong Thụy Quận công làm Tiết chế Thuận Hoá, Quảng Nam nhị xứ thủy bộ chư dinh, kiêm Tổng nội ngoại Bình chương quân quốc trọng sự Thái phó Quốc công, và giục đến Đông Đô để đi đánh Cao Bằng.”
Sứ giả miền Bắc đến. Đào Duy Từ được hỏi ý kiến, liền thưa: “Đây là họ Trịnh mượn mạng vua Lê để nhử ta, nếu ta nhận sắc mà không đến thì họ có cớ nói được, nếu ta không nhận thì họ ắt động binh, mà việc hiềm khích ở biên giới đã gây thì không phải là phước của sanh dân. Huống chi ta thành quách chưa vững, quân sĩ chưa luyện tập, địch đến thì lấy gì mà chống? Chi bằng hãy tạm nhận cho họ khỏi nghi, để ta chuyên lo việc phòng thủ, rồi sau dùng kế trả lại sắc, lúc ấy họ không làm gì được ta nữa.”.17
Biết Đào Duy Từ là người trí dũng, có mưu lược hơn người, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên hỏi về cách giữ được đất đai và kế trả lại sắc phong. Đào Duy Từ đưa ra sách lược: “Muốn mưu đồ sự nghiệp vương bá, cần phải có kế vẹn toàn. Người xưa đã nói: Không một lần khó nhọc thì không được yên nghỉ lâu dài, không hao phí tạm thời thì không yên ổn mãi mãi. Tôi xin hiến một bản đồ, sai quân dân ở hai trấn theo đó đắp một cái lũy dài từ chân núi Trường Dực đến bãi cát Hạc Hải, ấy là nhân hình thế đất đai mà đặt phòng thủ để giữ vững biên giới, thì quân địch có đến cũng không làm gì được.” .
Hỏi về kế trả lại sắc, Đào Duy Từ thưa: “Nên đúc một cái mâm đồng hai đáy, giấu sắc vào trong, trên để vàng, lụa, lễ vật, dùng Tướng thần lại Văn Khuông ( không rõ họ) làm sứ đi tạ ơn. Tôi xin dự nghĩ hơn 10 câu vấn đáp trao cho đem theo, để tùy cơ ứng biến, tiến mâm cho chúa Trịnh, rồi thừa gián mà về. Như thế là Trịnh mắc kế ta.” 18.
“Văn Khuông bưng mâm đồng đựng vàng lụa dâng lên. Thanh vương nhận. Nội ngày ấy, Văn Khuông lẻn ra cửa kinh đô, do đường biển về Nam. Người Trịnh thấy cái mâm đồng đồng hai đáy lấy màm lạ, tách ra xem thì thấy trong có đạo sắc và một tờ thiếp viết: “mâu nhi vô địch, mịch phi kiến tích, ái lạc tâm trường, lực lai tướng địch”, đem trình Thanh vương, vương hỏi các quan, không ai hiểu là nghĩa gì. Thiếu úy Phùng Khắc Khoan nói. Đó là ẩn ngữ “dư bất thụ sắc” (nghĩa là Ta không nhận sắc). Thanh vương giận lám, sai người đuổi theo Văn Khuông, nhưng không kịp nữa”.19
Văn Khuông từ Đông Đô về rồi, chúa Nguyễn sai đánh lấy châu Nam Bố Chính. Bấy giờ tướng Trịnh là Nguyễn Khắc Kham giữ châu Bắc Bố Chính, tri châu Nguyễn Tịch cũng là quan lại do vua Lê chúa Trịnh cắt đặt, giữ châu Nam Bố Chính. Đây là vùng đất chạy từ đèo Ngang vào tới sông Nhật Lệ. Nam Bố Chính từ Nhật Lệ ra tới Sông Gianh-Nguồn Son, Bắc Bố Chính từ Sông Gianh-Nguồn Son ra tới Đèo Ngang. Cả hai trực thuộc xứ Thuận Hoá, nghĩa là thuộc quyền cai trị của Trấn thủ Nguyễn Hoàng từ năm 1558 và sau năm 1613 thuộc quyền cai trị của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Vậy thì cớ gì “tháng 9 năm canh ngọ (1630) chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên phải sai Quân công Nguyễn Đình Hồng [cháu nội của Nguyễn Ư Kỷ] đánh chiếêm châu Nam Bố Chính, chém Nguyễn Tịch tại trận, chiếm giữ đất, lập dinh Bố Chính, biên dân làm lính, đặt 24 đội thuyền, saì Quận công Trương Phước Phấn trấn giữ.” 20
Thắc mắc này cũng được sử gia Phan Khoang nêu lên và ông cho rằng có lẽ Nam Bố Chính đã mất về tay ho Trịnh nhân lúc hai người em của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, tên là Hiệp và Trạch toan làm phản, âm mưu kết cấu với họ Trịnh không thành, bi bắt tại Ái Tử năm 1620. Có lẽ trước hoặc sau năm 1620, Nam Bố Chính đã bị họ Trịnh chiếm đóng chăng?
Chuyện phải đánh chiếm châu Nam Bố Chính không phải vì đã mất vào tay họ Trịnh mà nay phải đánh để chiếm lại. Nên biết rằng, “Thuận Hoá bị giặc Mạc chiếm cứ đã lâu”, hay Thuận Hoá tuy là đất cũ của nhà Lê, nhưng bè đảng họ Mạc phần nhiều ra vào ẩn hiện ở đó” , do nhà Lê chưa rỗi kinh lý được vì phải dụng binh nhiều ở miềm Bắc. Những lý do này là một phần, nghĩa là Nam Bố Chính đang ở trong tình trạng xôi đậu, không rõ ràng. Nhưng giả thử Nam Bố Chính lúc bấy giờ thực sự đang nằm trong tay họ Trịnh, thì chuyện họ Nguyễn phải đánh để giành lại càng hợp lý hơn. Bởi vì Sông Gianh-Nguồn Son là một phòng tuyến thiên nhiên, khả dĩ chận bước quân họ Trịnh một cách hữu hiệu. Bên bờ bắc Sông Gianh-Nguồn Son là Bắc Bố Chính, đất của vua Lê họ Trịnh sau năm 1600.. Tại đây, họ Trịnh đã có 3 cái đồn binh ở Di Luân, Trung Ái và Phan Long cùng với một chiến Lũy ở Thuận Bài. Nếu không chiếm được và làm chủ Nam Bố Chính, khác nào họ Nguyễn chịu để cho quân địch luôn luôn có mặt ngay trước sân nhà mình?
Đó là câu trả lời cho nghi vấn: “Nam Bố Chính lọt vào tay họ Trịnh bao giờ mà nay phải đánh lấy ” [Phan Khoang]. Trước năm 1630, Nam Bố Chính chưa bị mất rõ ràng vào tay ai cả, vì trên thực tế, Tri châu Nguyễn Tịch là một quan lại của vua Lê, được bổ nhiệm vào Nam Bố Chính để giữ đất cho vua Lê, cũng giống như Nguyễn Hoàng được chỉ định vào làm Trấn thủ Thuận Hoá. Điều đáng đặt thành vấn đề là: Đã có Nguyễn Hoàng thay vua Lê cai quản Thuận Hoá từ năm 1558, nghĩa là cai quản phần lãnh thổ từ Đèo Ngang (Hoành Sơn) vào tới phần đất cuối cùng của phủ Triệu Phong là huyện Địện Bàn, tại sao vua Lê và chúa Trịnh lại cử Tri châu Nguyễn Khắc Kham cai trị Bắc Bố Chính, rồi sau đó lại cử Tri châu Nguyễn Tịch vào cai trị Nam Bố Chính là phần cực bắc của xứ Thuận Hoá? Người có thẩm quyền trả lời câu hỏi này có lẽ là Thanh vương Trịnh Tráng.?
Dầu sao, tháng 9 năm canh ngọ (1630), quân họ Nguyễn phải đánh chiếm và làm chủ châu Nam Bố Chính để lập phòng tuyến, chống lại các cuộc tấn công của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.
Chú thích:
1. Phan Khoang, Việt Sử Xứ Đàng Trong, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2001, tr 88.
2. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, q.l, Nxb Đại Nam, Glendale, California, USA. tr 264.
3. Đai Việt Sử Ký Toàn Thư (Viết tắt Toàn Thư), Tâp ll, Nxb KHXH, Hà Nội 1985, tr 453.
4. Toàn Thư, Sđd, 522,
5. Trần Trọng Kim, Sđd, tr 255.
6. Toàn Thư, Tập lll, Nxb KHXH, Hà Nội, 1998, tr 123.
7. Toàn Thư, Tập ll, Sđd, tr 463.
8. Nguyễn Thế Long, Chuyện di sứ tiếp sứ ngày xưa, Nxb VHTT, Hà Nội, 2001, tr 208.
9. Nguyễn Phương, Tạp Chí Đại Học Huế, 1973, tr 37.
10. Mai Đình Dũng, Phủ Tập Quảng Nam Ký Sự, Sở VHTT Quảng Ngãi, 1996, tr 21-24.
11. Mai Đình Dũng, Sđd, tr 24.
12. Mai Đình Dũng, Sđd, tr 23.
13. Đại Nam Nhất Thống Chí, Tập ll, q. Vlll, tỉnh Quảng Ngãi, Nxb Thuận Hoá, Huế, 2006, tr 475.
14. Phạm Trung Việt, Non Nước Xứ Quảng, Khai Trí Sàigòn xb, 1969, tr 50.
15. Cương Mục, Tập ll, q. 28, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1998, tr 137-138.
16. Thực Lục, Tập Một, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2001, tr 36.
17. Phan Khoang, Sđd, tr 137.
18. Phan Khoang, Sđd, tr 138.
19. Phan Khoang, Sđd, tr 140
20. Phan Khoang, Sđd, tr 141.
Hoàng Đình Hiếu
The post Bùi Tá Hán và cuộc hành quân tái chiếm Quảng Nam appeared first on Họ Bùi Việt Nam.