Ngày 1/12/2013, nhận lời mời của BCH CĐHBVN, đoàn các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, bảo tồn di tích gồm PGS. Lê Văn Lan, PGS.TS. Trần Lâm Biền, PGS.TS. Đinh Khắc Thuân, PGS.TS. Bùi Quang Thanh, TS Bùi Quang Hùng và Nhà thơ Trần Quang Quý đã có chuyến điền dã tại khu di tích đình, chùa, mộ, miếu thờ cụ Bùi Đình Chấn (đời Hùng Vương thứ 18) thuộc thôn Bất Nạo, xã Kim Anh, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Trong chuyến điền dã, các nhà khoa học đã được đại diện Hội người cao tuổi (ông Nguyễn Văn Chung, ông Bùi Văn Chuyên), đại diện một số họ tộc và nhân dân tại địa phương (trong đó chi họ Bùi do bác Bùi Thái Tỵ đại diện), đại diện Ban liên lạc họ Bùi tỉnh Hải Dương (ông Bùi Văn Các, ông Bùi Văn Viện), đại diện BCH CĐHBVN (ông Bùi Xuân Ngật, ông Bùi Văn An, ông Bùi Vĩnh Long) tiếp đón, hướng dẫn tìm hiểu và khảo sát cụm di tích thôn/làng Bất Nạo, nơi phụng thờ cụ Bùi Đình Chấn, một trong những tiền liệt được truy tìm trong hàng viễn tổ họ Bùi ở Việt Nam.
. Đoàn đã nghiên cứu thực tế, xem xét các hiện vật tại đình, chùa làng Bất Nạo như tượng thờ cụ Bùi Đình Chấn (tương truyền thuộc đời Hùng Vương thứ 18), tượng thờ Tiến sĩ Phạm Cảnh Lương (thời Hậu Lê) đều là thần/thành hoàng làng, các pho tượng phật, các bài vị thờ thần, một số tấm bia đá, kiến trúc ngoại – nội thất của đình- chùa làng Bất Nạo, các hoành phi, câu đối….Trong quá trình khảo sát thực địa nơi thờ tự, PGS.TS Trần Lâm Biền đã có những góp ý và minh giải khoa học bổ ích cho ban quản lý di tích cùng đại diện các họ tộc và dân làng một cách cụ thể, giúp cho việc chỉnh sửa các lớp lang văn hóa và các biểu tượng văn hóa phù hợp với tư duy/tri thức văn hóa truyền thống và đảm bảo tính khoa học. Tại khu mộ và miếu thờ cụ Bùi Đình Chấn, các nhà khoa học đã dâng hương tại miếu thờ, tìm hiểu nghiên cứu các hiện vật tại di tích như miếu thờ, nội dung các câu đối, tảng đá thờ, sập thờ, vị trí, hướng đặt, các hoa văn khắc trên sập đá, ngôi mộ tương truyền của cụ Bùi Đình Chấn thủy táng kề bên.
Sau khi khảo sát thực địa, các nhà khoa học đã tham dự cuộc tọa đàm, được nghe bà con địa phương giới thiệu về lịch sử xây dựng đình làng, quá trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử -văn hóa cụm di tích của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, qua nhiều thế hệ nối tiếp. Cụ Nguyễn Văn Chung (một trong những người đã có công nhiều chục năm say mê, âm thầm sưu tập tư liệu về lịch sử các di tích và các nhân vật được phụng thờ tại địa phương, đặc biệt là nhân vật Bùi Đình Chấn) đã trân trọng giới thiệu truyền thuyết về các chủ điện thờ , phong tục tín ngưỡng thờ cúng, hương ước của làng từ xa xưa, những tục hèm, tập quán sinh hoạt, hình thức và nội dung tổ chức ngày lễ, giỗ thần, lễ hội của làng hàng năm… Nghe người dân bầy tỏ tấm lòng thành kính, tri ân đối với công đức của thần hoàng làng, sự uy linh của thần được nhân dân coi là vị tổ của làng Bất Nạo…, được xem các bút tích từ xưa đã được bà con địa phương sưu tầm, sao chép lại… cùng các bản TT-TS của đình làng….
Tại cuộc tọa đàm với đại diện một số dòng họ và chi họ Bùi, đại diện một số các cụ Bô lão tại địa phương, đại diện BLLHB tỉnh Hải Dương, đại diện TTBCH CĐHBVN, PGS Lê Văn Lan, PGS.TS Trần Lâm Biền, PGS.TS Hán học Đinh Khắc Thuân, PGS. TS Bùi Quang Thanh cùng các nhà khoa học đã phân tích rất kỹ các tư liệu, đánh giá các giá trị lịch sử của di tích dưới góc nhìn khoa học Lịch sử và Văn hóa, bầy tỏ sự trân trọng những tình cảm của nhân dân địa phương trong việc thành kính, tri ân công đức các bậc tiền nhân, biểu dương những cố găng của, chính quyền và bà con địa phương trong việc bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu lao động, thương dân, tinh thần đoàn kết cho các thế hệ mai sau. Các nhà khoa học đã phân tích những vấn đề cơ bản của luật di sản, vận dụng xem xét đánh giá thực trạng di tích cụ thể tại làng Bất Nạo một cách khách quan, khoa học, chỉ ra những hạn chế trong quá trình bảo tồn và tôn tạo di tích trước đây ở một số chỗ chưa phù hợp phong thủy, có chỗ tượng phật và cách bài trí còn sai lệch với nghi thức tâm linh của người việt, một số bia đá chưa được bảo vệ chu đáo vv… Đồng thời các nhà khoa học đã gợi ý một số hướng đi và các phương án cần thiết để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, làm sao để cụm di tích lịch sử đình-chùa, mộ – miếu thờ thành hoàng làng Bất Nạo (bao gồm cả vật thể và phi vật thể) được trường tồn, luôn được trân trọng trong đời sống sinh hoạt và tâm linh của nhân dân địa phương. Trên cơ sở tồn tại thực của di sản, hướng theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, các nhà khoa học đã cẩn trọng đề xuất một số giải pháp mang tính ứng dụng khả thi, hướng tới mục tiêu duy trì và bảo vệ di sản bản địa, các nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa gia đình, dòng họ và dân tộc; tăng cường sự giáo dục truyền thống đoàn kết, yêu nước, yêu lao động, nâng cao tri thức cho cộng đồng xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đất nước và các bước xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh cho cụm di tích văn hóa làng Bất Nạo…
Đại diện cho các vị bô lão và bà con địa phương, cụ Nguyễn Văn Chung và ông Bùi Thái Tỵ đã bày tỏ sự vui mừng, hân hạnh được đón tiếp và hướng dẫn đoàn các nhà khoa học đi thăm và khảo sát cụm di tích, bày tỏ lời cảm ơn đến các nhà khoa học mặc dù bận rất nhiều công việc đã dành thời gian điền dã tại di tích của địa phương, mang đến cho nhân dân địa phương những tình cảm chân thành, những chỉ dẫn tri thức khoa học quý báu, giúp nhân dân địa phương nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của di tích lịch sử, ý thức và trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản cho các thế hệ con cháu hiện tại và mai sau học tập, noi gương.
Đại tá Bùi Xuân Ngật thay mặt cho Thường trực BCHCĐHBVN và ông Bùi Văn Các thay mặt BLLHB tỉnh Hải dương đã bày tỏ sự kính trọng, lời cảm ơn chân thành đến các nhà khoa học Lê Văn Lan, Trần Lâm Biền, Đinh Khắc Thuân, Bùi quang Thanh, và nhà thơ Trần Quang Quý cùng các nhà khoa học trong đoàn, đã không quản sức khỏe do tuổi cao, thời gian bân rộn để thực hiện chuyến điền dã, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong sự nghiệp bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị nhân văn của di tích cho tất cả con em của dòng họ Bùi hiện tại và lâu dài. CĐHBVN hứa sẽ làm hết sức mình để góp phần cùng cả cộng đồng xã hội, cùng các nhà khoa học thực hiện việc việc gìn giữ các di sản của tổ tiên để lại, bảo vệ và xây dựng đất nước, xây dựng nền văn hóa Việt Nam giàu truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc.
(Tin và ảnh: Bùi Văn An)
BTV theo đoàn xin trân trọng giới thiệu 1 số hình ảnh của đoàn trong chuyến điền dã:
PGS Lê Văn Lan xem chiếc Sập đá thờ PGS Trần Lâm Biền và PGS Vũ Duy Mền trước xem chiếc Sập đá thờ
PGS Trần Lâm Biền Thắp hương tại cây đa cổ bên miếu thờ cụ Bùi Đình Chấn và trao đổi với các nhà khoa học
PGS Lê Văn Lan, PGS Bùi Quang Thanh tại đình và chùa làng (thờ Bùi Đình Chấn)
Các nhà khoa học đang khảo sát khu thờ và tượng cụ Bùi Đình Chấn
Các nhà khoa học, đại diện BCH CĐHB Việt Nam, họ Bùi tỉnh Hải Dương, chi họ Bùi Bất Nạo, đại diện bô lão tại địa phương trong buổi toạ đàm về di tích cụ Bùi Đình Chấn
Các nhà khoa học chụp ảnh bên miếu thờ cụ Bùi Đình Chấn
The post Chuyến điền dã tại cụm di tích Bùi Đình Chấn tại thôn Bất Nạo, xã Kim Anh, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương appeared first on Họ Bùi Việt Nam.